Tầm quan trọng của công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp
Được biết công nghệ sinh học là các quá trình sản xuất ở qui mô công nghiệp có sự tham gia của các tác nhân sinh học (ở mức độ cơ thể, tế bào hoặc dưới tế bào) dựa trên các thành tựu tổng hợp của nhiều môn khoa học, phục vụ cho việc tăng của cải vật chất của xã hội và bảo vệ lợi ích của con người.
Việc ra đời và phát triển của công nghệ sinh học nói chung và công nghệ sinh học nông nghiệp nói riêng đã đánh giá một bước nhảy vọt của khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra một tiến bộ mới trong phát triển nông nghiệp.Ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp làm gia tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, góp phần lớn vào phát triển kinh tế xã hội.
Để tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế xã hội tại Đăk Lăk, ngày 06/12/2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 08-CT/TUvề việc thực hiện kết luận 06 –KL/TW của Ban Bí thư TW Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 về “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 và định hường đến năm 2030”. Trên cở sở đó, Thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình số 08-CT/TU, ngày 06/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”tại địa phương. Nhìn chung, đến nayviệc ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển nông nghiệp tại thành phố Buôn Ma Thuộtngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp tại Buôn Ma Thuột
Công nghệ sinh học có ảnh hưởng toàn diện đến lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi: từ khi tạo giống, đến quá trình chăm sóc, qui trình tác động, phòng trừ dịch bệnh đến chế biến sản phẩm…. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương như:chuyển giao những giống cà phê có đặc tính nông học ưu việtvào tái canh, cải tạo cà phê( hạt lai TRS1, các dòng cà phê ghép từ TR4 đến TR13 trừ TR10);sử dụng các loại giống lai F1 trong sản xuất rau, cho năng suất và chất lượng cao; sử dụng nhiều giống lúa lai để tăng năng suất và chất lượng lúa gạo; phát triển ứng dụng các giống heo cao sản ( Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain, Hampshire, Berkshire, Cornwall) vào chăn nuôi;các giống gà thịt, gà siêu trứng (Hybro, Tam Hoàng, Sasso, Lương Phượng, gà Hubbard, BT1) cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn các giốngtruyền thống của địa phương.Tận dụng phế phẩm, phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi, thủy sản, chế biến để sản xuất phân hữu cơ, năng lượng (gas) và các sản phẩm hữu ích khác phục vụ nông nghiệp và đời sống. Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò; triển khai xây dựng rất nhiều hầm Biogas theo Chương trình khí sinh học của Hà Lan tài trợ để tạo nguồn khí đốt, nhiên liệu thắp sáng… góp phần cải thiện đời sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhất là ở khu vực nông thôn.Sử dụng giá thể, công nghệ thủy canh, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng…trong sản xuất rau quả. Sử dụngcác chất tăng trưởng đểkích thích ra hoa trái vụ các loại cây trồng, thu hoạch đồng loạt, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Sử dụng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, vi rút) để phòng trừ dịch bệnh cho thực vật…. Trong đó hiệu quả đáng ghi nhận là sử dụng điện năng để kích thích ra hoa trái vụ cho cây thanh long tại Buôn Ma Thuột.
Lãnh đạo Công ty Phích nước bóng đèn Rạng đông đang chuyển giao công nghệ sinh học cho cây thanh long tại Cư Êbur (nguồn: Cẩm lai)
Ứng dụng CNSHngày càng hiệu quả trên cây thanh long tại Buôn Ma Thuột
Quang chu kỳ là một phản ứng hết sức phổ biến của thế giới thực vật đối với độ dài chiếu sáng trong ngày, trong đó có cây thanh long. Được biết thanh long thuộc nhóm cây “ngày dài” hay nói cách khác thanh long sẽ ra hoa trái vụ khi độ dài chiếu sáng trong vườn thanh long lớn hơn độ dài chiếu sáng tối hạn. Dựa vào yếu tố này, người sản xuất thanh long tại thôn 3, xã Cư Eebur, thành phố Buôn Ma Thuột thời gian qua đã sử dụng điện năng thắp sáng vào ban đêm để kích thích ra hoa hai đợt trái vụ nhằm tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế trên cây thanh long. Đợt một từ đầu tháng 9, đợt 2 vào đầu tháng 2 năm sau, mỗi đợt thắp sáng từ 18 đến 20 đêm, mỗi đêm từ 7 đến 8 tiếng đồng hồ (trừ vụ chính, thanh long ra hoa tự nhiên từ tháng 5 đến tháng 10).
Từ năm 2016 trở về trước, nông dân sản xuất thanh long tại Buôn Ma Thuột sử dụng bóng đèn sợi 60 Watt thắp sáng (bóng đèn sợi đốt IL - 60W) để kích thích ra hoa trái vụ cho cây thanh long, mỗi năm tiền sử dụng điện phải trả là 50 triệu đồng/ha. Cuối năm 2016 đến nay, sau khi Thành phố Buôn Ma Thuột triển khai thành công mô hình sử dụng bóng đèn chuyên dụng 20 Watt (CFL-20W NNR660) thay cho bóng đèn sợi đốt 60 Watt (cường độ ánh sáng bằng nhau 0,5µmol/m2/s, cùng mật độ trên đơn vị diện tích) thì mỗi hec ta thanh long nông dân tiết kiệm khoảng 32 đến 34 triệu tiền điện. Hiện nay mô hình này nông dân đã nhân rộng hơn 90% diện tích thanh long tại Buôn Ma Thuột, dự kiến đến năm 2019 sẽ ứng dụng bóng đèn chuyên dụng 20 Watt trên toàn bộ diện tích thanh long tại đây.
Bóng đèn 20 Watt thay bóng đèn sợi 60 Watt tại vườn ông Mai Sỹ Ánh (nguồn: Cẩm Lai)
Hiện nay,mỗi hecta cây thanh long sử dụng điện để kích thích ra hoahai đợt phải trả tiền điện khoảng từ 16 đến 18 triệu đồng. Theo ông Mai Sỹ Ánh, chủ nhân của 1,5 ha thanh long tại thôn 3 xã Cư Êbur thì riêng sản lượng thanh long thu hoạch được nhờ thắp sáng kích thích ra hoa trái vụ khoảng 19 tấn/ha (chiếm 64% so với sản lượng cả năm/ha). Tuy nhiên với giá bán thanh long mùa khô cao hơn mùa chính vụ (chênh lệch từ 6 đến 8 nghìn/kg) nên doanh thu riêng mùa thanh long trái vụ đạt hơn 70% so doanh thu cả năm. Trừ chi phí một hec ta thanh long lãi thuần được hơn 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với một số trên trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.Ươc tính hơn 90% diện tích thanh long (90ha/100ha)đang thời kỳ kinh doanh năm nay(tính đến tháng 4/2018), riêng việc sử dụng bóng đèn chuyên dụng 20 Watt kích thích ra hoa trái vụ đã tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng tiền điện so với những năm 2016 về trước.
Vườn thanh long vào mùa của gia đình ông Mai Sỹ Ánh nhờ kích điện ra hoa trái vụ (nguồn: Cẩm Lai)
Qua đây cho thấy việc ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển nông nghiệp đang ngày càng phát triển tại Buôn Ma Thuột.
Nhớ lời củaGiáo sư - tiến sỹ Nguyễn Quang Thạch (nhà giáo nhân dân), giảng viên trường Đại học nông nghiệp Hà Nội đã dạy: Thực ra, khi thắp sáng điện kéo thêm ngày dài hơn thì cây ra hoa, tuy nhiên yếu tố quyết định sự ra hoa là “thời gian tối”, hay nói cách khác là khi chia một đêm dài ra thành nhiều đêm ngắn thì cây sẽ ra hoa. Thiết nghĩ, có thể tiếp tục thí điểm mô hình giảm số giờ kích điện vào giữa đêm (cắt từ 1-2 tiếng đồng hồ vào lúc 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng) để đáp ứng hiệu ứng quang chu kỳ của cây thanh long ra hoa trái vụ, đảm bảo năng suất, chất lượng,nếu được sẽ tiết kiệm điện nhiều hơn vào mùa khô Tây Nguyên, đồng nghĩa với việc gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây thanh long tại Buôn Ma Thuột.
Năm 2018, thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc tổ chức tập huấn cho nhân dân, khiển khai các mô hình khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần lớn vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nói riêng và Đăk Lăk nói chung.
Cẩm Lai
- Về vườn, xem nông dân canh tác cà phê thông minh (02/04/2025, 15:49)
- Tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế (30/09/2024, 16:24)
- Trao sinh kế hỗ trợ giảm nghèo (01/03/2024, 14:18)
- Huyện Ea Kar có trên 10.500 nông hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (09/01/2024, 15:04)
- Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới (03/10/2023, 20:33)
- Thoát nghèo nhờ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân (24/03/2023, 21:48)
- Quả ngọt từ mô hình “ Nhãn Hương Chi” (17/02/2023, 23:15)
- HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH TRỒNG DÂU NUÔI TẰM (12/05/2022, 16:37)
- Cây Vải Đăk Lăk cần lắm sự liên kết chuỗi giá trị bền vững (25/04/2022, 15:56)
- Hội Nông dân xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin ra mắt mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng trọt (11/03/2022, 18:32)
- Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất sầu riêng (04/03/2022, 16:03)