Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm và khát vọng vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình, cuối năm 2019 anh Lục Văn Bào ở thôn 8, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc đã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lục Văn Bào là một trong những người đầu tiên ở thôn 8 triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm. Qua nhiều lần tự tìm hiểu và đi tham quan các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Lâm Đồng. Anh đã học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp mới ở một số nơi; cuối năm 2019 anh đã chuyển đổi 5 sào đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu. Qua một thời gian, cây dâu rất thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở đây nên sinh trưởng và phát triển tốt; sau khi trồng từ 4 đến 5 tháng cho thu hoạch; một sào dâu cần đầu tư 9 hộp trứng tằm; mỗi lứa thu hoạch, một hộp trứng tằm cho thu khoảng 50 kg kén trên 01 sào trồng dâu. Chu kỳ nuôi mỗi hộp trứng tằm theo phương pháp mới chỉ kéo dài 15 ngày, một tháng có thể nuôi gối đầu 2 lứa.
Anh Lục Văn Bào, thôn 8, xã Ea phê bên mô hình nuôi tằm
Anh Lục Văn Bào cho biết có rất nhiều công ty đặt mua sản phẩm kén, với giá bán hiện tại là hơn 100 nghìn đồng/01 kg. Mỗi lứa tằm sau khi trừ chi phí nhân công và giống cho thu nhập từ 5-8 triệu đồng/lứa. Trong thời gian tới, gia đình anh Lục Văn Bào sẽ mở rộng quy mô trồng dâu và xây dựng thêm các nhà nuôi tằm kiên cố; đồng thời chia sẻ về kỹ thuật và liên kết với một số hộ dân ở địa phương triển khai mô hình này để tăng thêm hiệu quả kinh tế.
Đoàn xã Ea Phê tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của anh Lục Văn Bào ở thôn 8, xã Ea Phê.
Từ hiệu quả mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Bào, một số hộ nông dân trong thôn đã học hỏi kinh nghiệm để trồng dâu, nuôi tằm. Thời gian tới, chính quyền địa phương vận động một số nông dân chuyển đổi những diện tích đất trồng kém hiệu quả, đất xấu sang trồng dâu và nuôi tằm.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Lục Văn Bào bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác ở địa bàn thôn 8. Hàng vạn con tằm đang miệt mài ăn dâu để nhả tơ, kết kén mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh. “Một nong tằm là ba nong kén”, đây là một trong những mô hình sản xuất mới góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương nên cần được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ nhân rộng đến thôn, buôn khác trong và ngoài xã Ea Phê.
Thùy Trang
Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Krông Pắc
- Về vườn, xem nông dân canh tác cà phê thông minh (02/04/2025, 15:49)
- Tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế (30/09/2024, 16:24)
- Trao sinh kế hỗ trợ giảm nghèo (01/03/2024, 14:18)
- Huyện Ea Kar có trên 10.500 nông hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (09/01/2024, 15:04)
- Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới (03/10/2023, 20:33)
- Thoát nghèo nhờ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân (24/03/2023, 21:48)
- Quả ngọt từ mô hình “ Nhãn Hương Chi” (17/02/2023, 23:15)
- Cây Vải Đăk Lăk cần lắm sự liên kết chuỗi giá trị bền vững (25/04/2022, 15:56)
- Hội Nông dân xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin ra mắt mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng trọt (11/03/2022, 18:32)
- Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất sầu riêng (04/03/2022, 16:03)