Trong những năm qua, sầu riêng là một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tếrất cao cho nông dân Đăk Lăk để ổn kinh tế khi giá cà phê xuống thấp. Nếu trồng thuần các giống cây ghépchất lượng, với mật độ bình quân 150 cây/ha (8m x 8m), áp dụng hợp lý qui trình kỹ thuật, thì thời kỳ cây cho quả ổn định, doanh thu của sầu riêng đến vài trăm triệu đồng trên ha/năm. Tuy nhiên, để có được một vườn sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất ổn định, cần áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất thường xuyên.
Sau khi tiến hành kiểm tra một số vườn sầu riêng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột-Đăk Lăk,nhận thấy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sầu riêng của nông dân vẫn còn nhiều vấn đề quan tâm, theo đó một số diện tích sầu riêng sau mùa thu hoạch vừa qua, đang bị sâu bệnh hại tấn công. Đáng chú ý là bệnh thối cổ rễ do nấm gây nên, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững diện tích sầu riêng trong tương lai.
Một số hình ảnh bệnh thối rễ tại vườn anh Tiến, thôn 5, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột
Đơn cử,tại một vườn sầu riêng hơn 5000 m2 giống Dona đã thu hoạch năm thứ hai tại thôn năm, xã Hòa Thắng, của anh Nguyễn Tấn Tiến đang có hiện tượng nhiều cây sầu riêng bị thối rễ.Anh Tiến cho biết, khi nhận thấy có những cây chậm phát triển, có triệu chứng yếu dần đi so với những cây sầu riêng trong vườn, anh kiểm tra kỹ phần gốc thì phát hiện tại nơi tiếp giáp mặt đất và thân cây, phần vỏ cây đã bị thối ẩm ướt, sần lên, nhũn ra, biến thành màu nâu,ăn sâu qua khỏi lớp tượng tầng vào đến phần gỗ của cây. Vết bệnh lan rộng và bao quanh thân, cây không đưa được dinh dưỡng từ rễ lên nuôi phần thân trên, nên yếu dần một số cành phía trên cằn cỗi, lá héo khô sau đó cành bị chết, thậm chí có vài cây đã chết. Anh cho biết thêm, hầu hết những cây bị bệnh,lây lan nhau theo dòng nướcchảy trên vườn trong mùa mưa, làm cho gia đình rất lo lắng về phát tán lây lan bệnh trong những mùa mưa tới. Thăm một số vườn sầu riêng lân cận thì ngoài hiện tượng thối rễ còn có các triệu chứng khác cũng do sâu, bệnh hại gây ra. Thậm chí còn có hiện tượng rụng mầm hoa do “sốc nước” từ nguyên nhân tưới nước cho sầu riêng không đúng kỹ thuật.
Được biết bệnh thối gốc cây sầu riêng do nấm Phytophthora palmivora gây nên, là một trong những bệnh tác động lớn đến sinh trưởng và phát triển cây sầu riêng.
Sự xuất hiện phổ biến của loại nấm gây bệnh này trên các vùng trồng sầu riêng Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người sản xuất hiện nay. Sợi nấm và bào tử nấm thường xuyên lưu tồn trong đất, tàn dư thực vật, trên các vết bệnh của cây trong vườn. Khi gặp điều kiện thuận lợi như độ ẩm cao, mưa nhiều, gió mạnh, nấm sẽ phát tán theo dòng chảy lây lan trên diện rộng. Vườn bị ngập úng nước càng lâu thì áp lực bệnh càng lớn. Trong khi đó, mùa mưa Tây Nguyên thì tập trung, kéo dài, ẩm ướt; mùa khô thì gió mạnh...là điều kiện để nấm phát triển lây lan.Ngoài ra, nấm còn gây hại trên lá và chồi non của cây, làm lá bị khô chết, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp tích lũy năng lượng cho cây.Quả non cũng dễ bị nhiễm bệnh khi độ ẩm môi trường cao, vết bệnh phát triển nhanh và ăn sâu vào trong phần thịt quả, nếu nặng sẽ làm thối cả quả, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Để kiểm soát và quản lý tốt vườn sầu riêng, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, như chọn đất trồng sầu riêng không bị ngập úng và có khả năng thoát nước tốt, nên chọn những vùng có đất đỏ bazan. Mua những giống sầu riêng chất lượng, sạch bệnh, khỏe mạnh của những đơn vị sản xuất giống hợp pháp. Trồng sầu riêng với mật độ hợp lý để cây cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng đầy đủ, tạo điều kiện thông thoáng vườn trong mùa mưa. Cung cấp dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây sầu riêng qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, đặc biệt bổ sung phân hữu cơ, tăng cường bón vôi cải thiện pH đất.Tây Nguyên là vùng có mùa khô hạn kéo dài, thường từ 4 - 6 tháng, để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt, các vùng trồng sầu riêng phải chủ động nguồn nước tưới đảm bảo trong mùa khô. Tưới yêu cầu phải đủ nước,hợp lý theo nhu cầu của cây ở các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây.Cần thiết kế hệ thống thoát nước tốt cho vườn cây, để tiêu nước nhanh trong mùa mưa, không làm úng nước, dễ tạo điều kiện cho nấm phát sinh gây bệnh thối rễ. Tỉa cành tạo tán thích hợp để vườn cây thông thoáng, ánh sáng đầy đủ cho cây quang hợp, đồng thời hạn chế ẩm ướt trong vườn. Tủ gốc trong mùa khô để giảm nóng và hạn chế bốc thoát nước, tuy nhiên không sử dụng tàn dư lá rụng do bệnh để tủ gốc, mà có thể tận dụng các loại phế phụ khác không có mầm móng nấm bệnh.Hạn chế gây vết thương cho cây sầu riêng trong quá trình chăm sóc. Sử dụng vi sinh vật đối kháng hoặc phân vi sinh đối kháng như chế phẩm Trichoderma, chế phẩm EM... để cải tạo đất và phòng trừ nấm bệnh. Hàng năm nên tiến hành quét vôi quanh gốc, cao từ 70 - 90 cm tính từ mặt đất để phòng bệnh cho cây. Khi cần thiết buộc phải sử dụng thuôc hóa học thì phải dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng nồng độ. Đặc biệt là phải thăm vườn thường xuyên và kiểm tra triệu chứng sâu bệnh trên từng cây sầu riêng. Vệ sinh vườn thu gom tàn dư cây bị bệnh đem tiêu hủy, cắt tỉa các cành nhánh gần mặt đất, làm cỏ vùng gốc thông thoáng.Người sản xuất nên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của các cơ quan chuyên môn về chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây trồng. Nếu nông dân có nhu cầu về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất các loại cây trồng, nên đề xuất với Hội nông dân xã, phường hoặc bộ phận nông nghiệp địa phương, mời các cơ quan chuyên môn về tập huấn cho người sản xuất.
Cẩm Lai
- Về vườn, xem nông dân canh tác cà phê thông minh (02/04/2025, 15:49)
- Tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế (30/09/2024, 16:24)
- Trao sinh kế hỗ trợ giảm nghèo (01/03/2024, 14:18)
- Huyện Ea Kar có trên 10.500 nông hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (09/01/2024, 15:04)
- Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới (03/10/2023, 20:33)
- Thoát nghèo nhờ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân (24/03/2023, 21:48)
- Quả ngọt từ mô hình “ Nhãn Hương Chi” (17/02/2023, 23:15)
- HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH TRỒNG DÂU NUÔI TẰM (12/05/2022, 16:37)
- Cây Vải Đăk Lăk cần lắm sự liên kết chuỗi giá trị bền vững (25/04/2022, 15:56)
- Hội Nông dân xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin ra mắt mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng trọt (11/03/2022, 18:32)