Hội Nông dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và rèn luyện. Trải qua 93 năm xây dựng và trưởng thành (14/10/1930 - 14/10/2023), tổ chức Hội đã phát triển đến tất cả các địa bàn dân cư trong cả nước. Thông qua tổ chức của mình, giai cấp nông dân Việt Nam đã tích cực cùng Nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh bại thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cùng với sự hình thành, phát triển của tổ chức Hội và phong trào nông dân Việt Nam, tổ chức Hội và phong trào nông dân tỉnh Đắk Lắk đã có những bước phát triển không ngừng; nhằm ôn lại truyền thống, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội và cán bộ, hội viên, nông dân trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh giới thiệu tài liệu: “Sự hình thành và phát triển của tổ chức Hội và phong trào Nông dân tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ” để tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân trong tỉnh, nội dung như sau:
I. Thời kỳ hoạt động của tổ chức Hội Nông dân tỉnh, trước năm 1975
1. Ảnh hưởng của Nhà đày Buôn Ma Thuột đối với phong trào nông dân ở Đắk Lắk
Thực tế vấn đề vận động nông dân và vận động đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng vạch ra từ rất sớm. Tuy nhiên, sau khi Đảng ra đời, do điều kiện chính trị - xã hội cụ thể, Đắk Lắk lúc bấy giờ chưa trực tiếp nhận được ánh sáng cách mạng của Đảng. Việc tổ chức vận động cách mạng chỉ được bắt đầu sau khi thực dân Pháp xây dựng nhà đày Buôn Ma Thuột để giam cầm các chiến sĩ cộng sản và nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành nơi gieo mầm cách mạng vào trong quần chúng Nhân dân. Cuối năm 1940, trước yêu cầu của tình hình cách mạng, một số tù nhân cũ đã liên hệ với nhau thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản[1].
Việc thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đánh dấu bước chuyển quan trọng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk. Từ đây phong trào cách mạng gắn liền với sự lãnh đạo duy nhất của Đảng, là yếu tố cơ bản, quyết định để phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên giành thắng lợi. Chính trong thời điểm này, việc truyền bá ảnh hưởng cách mạng từ trong nhà đày Buôn Ma Thuột ra bên ngoài đã trở nên vô cùng cấp thiết. các chiến sỹ cộng sản đã vận động thành lập ra một số tổ chức để tăng cường tập hợp tù nhân như: Ban vận động cách mạng, Nhóm Trung kiên, Cách mạng chiến sỹ đoàn…Đồng thời tích cực móc nối, giác ngộ thêm một số công chức, binh lính đang hoạt động cho Pháp tại Buôn Ma Thuột, như Y Som, Y Blih, Y Wang…nhiều binh lính, công chức, viên chức, học sinh và cả một số nông dân đồng bào dân tộc bước đầu được tiếp thu ánh sách cách mạng của Đảng.
Tháng 2 năm 1940 công nhân đồn điền C.A.D.A tổ chức cuộc đình công 10 ngày đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống, cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh, thực hiện bảo hộ lao động, phản đối chính sách bóc lột của giới chủ Pháp. Chính quyền thực dân đã phải cho tên Công sứ Đắk Lắk xuống tận địa bàn đồn điền để gặp gỡ và hứa thực hiện những yêu sách do công nhân nêu ra. Cuộc đấu tranh ở đồn điền C.A.D.A đã cổ vũ khích lệ công nhân và nông dân ở nhiều đồn điền, buôn làng khác trong tỉnh đứng lên đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi giảm tô, chống sưu cao, thuế nặng, đòi thả tù chính trị…
2. Nông dân Đắk Lắk tham gia khởi nghĩa giành chính quyền
Sau khi đảo chính Pháp, phát xít Nhật nhanh chóng thành lập bộ máy tay sai ở Đắk Lắk; Quản Đạo Nguyễn Sỹ Túc được đưa lên làm tỉnh trưởng thay cho công sứ Pháp Lơ – Vê. Trong các công sở Nhật cũng giao quyền cai quản tạm thời cho người Việt. Ở các hàng buôn, nhà máy, đồn điền của Pháp, Nhật cũng giao cho một số cai ký người Việt quản lý; Tiểu đoàn khố xanh chúng đổi thành tiểu đoàn Bảo an và giao cho Nguyễn Sỹ Tuấn, Y Bih Alêo chỉ huy…Sau sự kiện trên, tình hình chuyển biến nhanh; đồng bào các dân tộc ở Buôn Ma Thuột và nhiều nơi hăng hái tìm hiểu, tham gia Việt Minh. Nhân dân ở khu lao động Lạc Giao, Lạc Sa, đồng bào buôn Alê, buôn Păn Lăm, buôn Kosiêr, buôn Ky, buôn Niêng ở Buôn Ma Thuột và đồng bào buôn Phê, buôn Phăn, buôn Ea Yông, buôn Poc trên đường 21 có hàng trăm người ra nhập tổ chức Việt Minh.
Tháng 4 năm 1945 đã diễn ra cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị với quy mô lớn, từng đoàn người gồm công nhân, nông dân ở các buôn làng quanh thị xã đã kéo đến nhà đày Buôn Ma Thuột yêu cầu bọn cai ngục phải thả tù nhân; các giới đồng bào, công chức, học sinh kéo đến bao vây nhà tỉnh trưởng Nguyễn Sỹ Túc, vừa vận động thuyết phục, vừa đưa kiến nghị đòi chúng phải thi hành ngay sắc lệnh ân xá tù chính trị của Chính phủ Nhật; trước áp lực của quần chúng chính quyền tay sai thân Nhật buộc phải mở cửa nhà đầy, giải phóng tù chính trị. Sau khi được trả tự do, một số đảng viên của nhà đầy Buôn Ma Thuột đã toả về chỉ đạo, xây dựng phong trào cách mạng ở nhiều địa bàn nông thôn trong tỉnh; phát động các cuộc đấu tranh chống bắt xâu, chống thu thuế, đòi bãi bỏ việc trưng thu, trưng mua các sản vật, tổ chức học chữ quốc ngữ, vận động làm ruộng nước…
Cuối tháng 5 năm 1945 chi bộ Đảng Buôn Ma Thuột tổ chức một hội nghị bí mật tại nhà ông Phạm Sỹ Vịnh, một công chức tiến bộ ở thị xã Buôn Ma Thuột, cử ra ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk gồm các đồng chí Phan Kiệm làm trưởng ban, phụ trách công tác binh vận, đồn điền, nông thôn, kiêm chủ nhiệm Việt Minh tỉnh.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng đồng minh, ban lãnh đạo lâm thời tỉnh họp và quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày 17/8/1945 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Kiệm công nhân, tự vệ vũ trang và quần chúng khởi nghĩa giành thắng lợi khu vực đồn điền C.A.D.A; sau đó giành thắng lợi ở một số đồn điền khác dọc đường 21.
Ngày 20/8/1945 bọn tay sai Nhật tập hợp được vài trăm người đến sân vận động thị xã để tổ chức mit tinh nhằm gây thanh thế. Theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, tiểu đoàn Bảo an binh cùng với các đơn vị của đồn điền C.A.D.A, xã Lạc Giao, Lạc Sa được điều đến sân vận động để hỗ trợ quần chúng. Thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa đồng chí Phan Kiệm bước lên lễ đài công bố “các tầng lớp nhân dân và tiểu đoàn Bảo an binh đã đi theo Mặt trận Việt Minh làm cách mạng; kể từ giờ phút này, chính quyền ở Đắk lắk thuộc về nhân dân”. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên trước sự reo hò, cổ vũ của quần chúng; cuộc mit tinh sau đó đã biến thành một cuộc diễu hành giành chính quyền ở thị xã; quần chúng và tự vệ vũ trang chiếm các công sở và kéo tới nhà đầy Buôn Ma Thuột giải phóng toàn bộ những người còn bị địch giam giữ.
Vào 03 giờ chiều ngày 24/8/1945, khoảng 4.000 người, gồm các tầng lớp nhân dân trong thị xã, đồng bào các dân tộc vùng ven, lực lượng vũ trang tự vệ, bảo an binh…Đã đến sân vận động dự lễ ra mắt chính quyền tỉnh. Trong không khí trang nghiêm phấn khởi, một vị lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tỉnh bước lên lễ đài, tuyên bố phá bỏ ách thống trị của phát xít Nhật và thành lập Chính quyền cách mạng của nhân dân; từ nay nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đứng lên làm chủ vận mệnh của mình sau nửa thế kỷ dưới ánh thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Đắk Lắk đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh phát huy nhiệt tình cách mạng, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước để củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng kinh tế - văn hoá, an ninh, quốc phòng, chống giặc đói, giặc dốt, đồng thời anh dũng chiến đấu chặn từng bước tiến của quân Pháp, bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
3. Nông dân Đắk Lắk trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
Một trong những công tác vận động nông dân có kết quả là thành lập các đoàn đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định đình chiến. Trong giai đoạn từ năm 1957 - 1961, nông dân Đắk Lắk tham gia đồng khởi, phá kìm giải phóng nông thôn.
Từ năm 1961 - 1970, trong vùng địch kiểm soát, hàng vạn nông dân đã tham gia phong trào quần chúng đấu tranh diệt ấp, phá kìm. Chính phong trào nổi dậy của nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lực lượng để quân và dân trong tỉnh tham gia đấu tranh làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” “Chiến tranh cục bộ” “Việt Nam hóa chiến tranh” liên tục làm phá sản các chương trình “Bình định nông thôn” của Mỹ Ngụy. Tháng 10 năm 1966, đồng chí A ma Quang (Phó Bí thư Tỉnh ủy) thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ký Quyết định thành lập tổ chức Nông hội tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời chỉ định Ban Chấp hành Nông hội tỉnh gồm 3 đồng chí, đồng chí Ninh Đức Thọ (Trần Trương) - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Bí thư Nông hội. Đêm 30/01/1968, cuộc tổng tiến công nổi dậy tết Mậu thân của quân và dân Đắk Lắk mở màn tại Buôn Ma thuột và những hoạt động tấn công nổi dậy tiếp theo trong năm 1968 là thắng lợi của ý chí kiên cường, tinh thần hy sinh quên mình của Đảng bộ, Nhân dân và nông dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma thuột (ngày 10/3/1975) và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vào ngày 30/4/1975; trong suốt chặng đường chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp Nông hội trong tỉnh không ngừng được kiện toàn và củng cố, trở thành nơi tập hợp nông dân ưu tú cả ở trong vùng căn cứ, vùng giải phóng và vùng tranh chấp, cống hiến sức người, sức của cho phong trào cách mạng của tỉnh; góp phần vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
II. Hoạt động của tổ chức Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk từ sau 30/4/1975 đến nay
1. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30/4/1975) đến Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ I.
Cũng như các địa phương ở miền Nam, sau ngày giải phóng, tổ chức Nông hội ở Đắk Lắk chưa có gì thay đổi lớn, vẫn kế thừa cơ quan Nông hội trong chiến tranh. Các chi hội cơ sở tiếp tục được duy trì sinh hoạt và làm công tác vận động quần chúng, vận động nông dân tham gia sản xuất, xây dựng chính quyền, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ thành quả cách mạng.
Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk tháng 7 năm 1975, Nông hội tỉnh xây dựng “Chương trình hoạt động mới”, tập trung động viên nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách Chính quyền cách mạng; kêu gọi nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, sớm bắt tay vào khôi phục sản xuất. Nhiều nơi Nông hội phối hợp với Chính quyền tổ chức hồi cư cho dân, giãn dân cư từ các ấp chiến lược cũ ra vùng ven, trưng dụng máy móc, nông cụ đưa về nông thôn phục vụ khai hoang, tiến hành hàng loạt biện pháp để đẩy mạnh sản xuất lương thực, giải quyết nạn đói. Nhờ những chủ trương, biện pháp khẩn cấp của Đảng bộ, Chính quyền cách mạng, nên đến năm 1976, tình hình an ninh chính trị, sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc nhanh chóng đi vào ổn định. Nạn thiếu đói được khắc phục một bước; trên 5.300 hộ nông dân các dân tộc được chia đất canh tác, cả tỉnh đã khai hoang, phục hoá được 1.263 ha đất, trong đó có 390 ha ruộng nước, hàng chục khu vực dân cư mới bắt đầu được hình thành, mở ra nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, thuận tiện cho giao thông đi lại của người dân.
Để động viên phong trào thi đua sản xuất của nông dân, từ ngày 26 đến 29/6/1976, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời và Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị đại biểu sản xuất giỏi toàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức trang trọng tại rạp Hưng Đạo, với 398 đại biểu là nông dân ưu tú trong tỉnh tham dự. Đồng chí Nguyễn Đức Nhuần (A ma Đức), Bí thư Nông hội tỉnh đọc báo cáo tuyên dương tinh thần yêu nước, những nỗ lực vượt bậc của nông dân các dân tộc trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân tỉnh Đắk Lắk, hàng trăm đại biểu nông dân ở khắp các buôn làng và anh chị em công nhân trong các nông trường đã cùng nhau tham gia một diễn đàn, báo cáo về những thành tích xuất sắc trong việc phát triển sản xuất, bày tỏ niềm tin vào Đảng, vào chế độ mới, thể hiện lòng khát khao vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ, đầu năm 1978 Nông hội tỉnh khẩn trương chuẩn bị để tiến tới Hội nghị Đại biểu Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ nhất; để chuẩn bị cho sự kiện này, từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1978, toàn bộ cán bộ của cơ quan Nông hội tỉnh đã bám sát các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo và lần lượt tổ chức Hội nghị nông dân từ cơ sở xã, phường đến huyện, thị. Đến tháng 7 năm 1978, Hội nghị Đại biểu Nông dân tỉnh lần thứ nhất chính thức được triệu tập, khai mạc trọng thể tại Nhà văn hoá Lao động tỉnh từ ngày 10 – 12/7/1978 tham dự Hội nghị có 118 đại biểu đại diện cho 62.300 hội viên nông dân toàn tỉnh tham dự. Đồng chí Trần Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ dự khai mạc và chỉ đạo Hội nghị.
2. Đại hội đại biểu Nông dân tập thể tỉnh Đắk Lắk lần thứ I
Để phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tiến tới Đại hội Đại biểu Nông dân toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam; tháng 6 năm1979, Bộ Chính trị có chủ trương về việc thành lập tổ chức thống nhất của nông dân trong cả nước. Theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, tổ chức nông dân phải có hệ thống và bộ máy từ trung ương xuống cơ sở, lấy tên là: “Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam” cho phù hợp với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; nhằm động viên nông dân cả nước thực hiện 3 cuộc cách mạng và xây dựng nông thôn.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, tháng 8 năm 1979, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Chỉ thị số 13 – CT/TU về kiện toàn Hội Nông dân tập thể các cấp, trong đó khẳng định: “Hội Liên hiệp Nông dân tập thể là một đoàn thể quần chúng có tính chất chính trị của giai cấp nông dân; các cấp uỷ Đảng phải quan tâm chỉ đạo, xây dựng Hội trở thành một tổ chức thống nhất vững mạnh, tập trung phát triển hội viên, động viên ý chí nỗ lực của quần chúng nông dân trong tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để tiến tới Đại hội Nông dân tập thể toàn tỉnh lần thứ nhất, ngày14/4/1980, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Quyết định số 04 – QĐ/TU chuẩn y Ban Thường vụ lâm thời Hội Nông dân tập thể tỉnh gồm 03 thành viên, do đồng chí Nguyễn Đức Nhuần (A Ma Đức), làm chánh thư ký, đồng chí Mai Bá Chuy làm phó thư ký. Sau gần 5 tháng chuẩn bị về mọi mặt ngày 24 – 25/9/1981 Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Đắk Lắk lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại hội trường Câu lạc bộ lao động tỉnh, với 152 đại biểu thay mặt cho 128.303 hội viên và gần 40 vạn nông dân trong toàn tỉnh tham dự đại hội. Đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm 23 ủy viên, đồng chí Nguyễn Đức Nhuần được bầu làm Chủ tịch Hội.
Sau Đại hội, Ban Chấp hành tỉnh hội tập trung kiện toàn một bước cơ quan tỉnh Hội, thành lập bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng cơ sở, thành lập và hướng dẫn hoạt động hiệu quả 3 huyện Hội mới là Ea H’leo, Krông Bông và Krông Ana; các cấp Hội đã giải quyết hàng loạt vấn đề thực tiễn cụ thể phát sinh từ phong trào hợp tác hoá, phối hợp với chính quyền thực hiện 3 chính sách lớn là “ổn định thuế nông nghiệp”, “hợp đồng kinh tế hai chiều” và “khoán sản phẩm đến người lao động”. Riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp hội cùng với chính quyền tập trung vận động đồng bào định canh, định cư, làm kinh tế vườn, làm thủy lợi, làm ruộng nước, áp dụng cây con mới trong trồng trọt, chăn nuôi…
3. Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Đắk Lắk lần thứ II.
Để tiến tới Đại hội lần thứ nhất Hội Nông dân tập thể Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong ba ngày từ ngày 21-23/6/1984 Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Đắk Lắk lần thứ II được triệu tập, tham dự đại hội có 151 đại biểu thay mặt cho gần 170.000 hội viên nông dân và trên 40 vạn nông dân trong toàn tỉnh về dự Đại hội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 27 thành viên, đồng chí Nguyễn Tiển (A ma Đam), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là nhanh chóng tập hợp nông dân các dân tộc đứng vào tổ chức Hội; ra sức tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho nông dân, tạo ra phong trào hành động cách mạng sôi nổi, liên tục ở địa bàn dân cư.
Sau Đại hội lần thứ II, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong hội viên và quần chúng nông dân. Các phong trào lớn như xây dựng hợp tác xã, thi đua nhận khoán, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất; tham gia phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã thật sự trở thành phong trào hành động cách mạng rộng lớn ở nông thôn. Trên mặt trận bảo vệ trật tự trị an, hội viên nông dân vẫn là lực lượng đi đầu đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên ở các vùng nông thôn, tham gia truy quét Fulro, bóc gỡ các cơ sở ngầm của chúng. Đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc vận động định canh, định cư gắn với việc đưa đồng bào vào nông lâm trường và xây dựng mô hình tập thể hoá nông nghiệp đã trở thành cuộc cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại đồng bào những lợi ích to lớn cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trước đây chưa từng có.
4. Đại hội Đại biểu Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ III.
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ III đã diễn ra trong hai ngày từ ngày 18-19/7/1987 tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh, tham dự đại hội có 158 đại biểu thay mặt cho trên 178.000 hội viên trong toàn tỉnh về tham dự Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành tỉnh Hội gồm 31 ủy viên, đồng chí Nguyễn Quang Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Đây là Đại hội đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ đất nước chuyển sang thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Hội. Đại hội đã nhìn nhận, đánh giá sâu sắc những thành tựu và những tồn tại trong quá trình xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân từ năm 1984 – 1987. Đại hội đề ra ba nhiệm vụ lớn trong thời kỳ đất nước chuyển sang thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đó là: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, xây dựng Hội Nông dân vững mạnh nhằm phát huy sức mạnh của giai cấp nông dân trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tập hợp đông đảo nông dân lao động vào Hội; không ngừng nâng cao chất lượng hội viên. Vận động nông dân ra sức phát triển sản xuất, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Ngay sau đại hội, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung nỗ lực vào công tác kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội cơ sở; trọng tâm là chăm lo củng cố ban chấp hành, xây dựng các chi hội và tổ hội. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, của công tác xây dựng hội vững, mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nhờ vậy đến năm 1991, 100% xã, phường, thị trấn đều xây dựng được Ban Chấp hành hội cơ sở, đồng thời xây dựng sắp xếp các chi, tổ hội theo địa bàn dân cư, phù hợp với cơ chế quản lý mới ở nông thôn, từng bước đi vào hoạt động hiệu quả.
Sau 5 năm triển khai thực hiện đường lối đổi mới đất nước dưới ánh sáng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhất là qua việc thi đua thực hiện khoán 10, hưởng ứng phong trào “Nông dân sản xuất giỏi” nông dân trong tỉnh đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý ở nông thôn. Hội viên, nông dân trong tỉnh tiếp tục đi đầu trong công cuộc khai hoang, làm thuỷ lợi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đồng thời làm nòng cốt thúc đẩy phong trào đổi mới hợp tác hoá nông nghiệp. Nông dân trong vùng dân tộc thiểu số tích cực tham gia cuộc vận động định canh, định cư, tách hộ làm kinh tế vườn, xây dựng nếp sống mới làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
5. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV.
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV được tổ chức tại hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk, về dự Đại hội có 190 đại biểu thay mặt cho gần 180.000 hội viên nông dân trong tỉnh về dự Đại hội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh gồm 28 uỷ viên; đồng chí Nguyễn Quang Cẩm được bầu lại làm Chủ tịch Hội. Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng lớn nhằm đổi mới các mặt công tác của Hội, tạo sự chuyển biến lớn trong phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa của nông dân, từng bước nâng cao vai trò chính trị của Hội lên ngang tầm của đất nước.
Thực hiện nghị quyết Đại hội, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tăng cường phối hợp tạo điều kiện cho hội viên nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn và thực hiện chính sách khuyến nông tại cơ sở, giúp nông dân đầu tư sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hàng hoá, vượt lên xoá đói, giảm nghèo. Từ năm 1982, học tập chương trình “Xoá đói, giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong đó có Đắk Lắk, đã thông qua nguồn vốn 120 và 202, hỗ trợ cho nông dân các dân tộc trong tỉnh vay hàng chục tỷ đồng để phát triển sản xuất nông nghiệp tạo việc làm mới ở nông thôn. Công tác “xoá đói, giảm nghèo” bắt đầu trở thành một phong trào lớn mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc.
Hoạt động của Ban Chấp hành Hội các cấp cũng đã có chuyển biến rõ nét, khắc phục tình trạng vận động đơn thuần từng bước đi sâu vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở nông thôn; hướng trọng tâm vào việc đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, động viên nông dân đi đầu trong mặt trận sản xuất. Nhiều cơ sở Hội đã có những mô hình hoạt động phong phú, thiết thực như tổ chức tập huấn, khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên; tuyên truyền vận động hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở các lớp quản lý bảo vệ thực vật, thành lập “Câu lạc bộ sản xuất giỏi” “Câu lạc bộ 6 chuẩn mực dân số KHHGĐ”…Qua đó thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong hội viên, nông dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên nông dân; tạo sự lôi cuốn, gắn bó của hội viên, nông dân với tổ chức Hội.
Sau khi đồng chí Nguyễn Quang Cẩm nghỉ hưu theo chế độ, đồng chí Phạm Ngọc Tài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh được Ban Chấp hành bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
6. Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ V, nhiệm kỳ 1998 – 2003.
Tháng 6 năm 1998 Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ V được tổ chức tại Hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đây là Đại hội có ý nghĩa trong việc chuyển hướng phong trào nông dân bước vào một giai đoạn mới: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, xây dựng Hội Nông dân ngang tầm với yêu cầu công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn”. Về dự Đại hội có 195 đại biểu thay mặt cho 140.165 hội viên thuộc 201 cơ sở Hội trong toàn tỉnh về dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 30 ủy viên, đồng chí Võ An Bang, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Tỉnh uỷ được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Đại hội đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đó là: Tăng cường tập hợp và vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết và phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động để ra sức thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tham gia củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tập hợp đông đảo nông dân vào Hội, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cơ chế quản lý ở nông thôn.
Sau Đại hội công tác xây dựng Hội trên địa bàn dân cư được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp Hội; trên cơ sở xác định chi hội, tổ hội là đơn vị hành động ở địa bàn nông thôn; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo và sắp xếp các chi hội, tổ hội cho phù hợp với số lượng hội viên trên địa bàn dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của hội viên và hoạt động của các cơ sở Hội.
Song song với công tác kiện toàn, củng cố xây dựng Hội, trong nhiệm kỳ phong trào nông dân ở nông thôn từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả rõ rệt. Một trong những mô hình thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, xoá đói, giảm nghèo có hiệu quả là tổ chức cho nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; mỗi năm đã có gần 20 vạn hộ nông dân đăng ký, trong đó có gần 45.000 hộ thực sự làm ăn giỏi, hàng nghìn hộ nông dân từ nghèo khó vươn lên khá, giàu xứng đáng đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Bên cạnh phong trào thi đua SXKDG, các cấp Hội cũng đã tập trung vào một số cuộc vận động lớn ở nông thôn như: Phong trào nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn; Phong trào thi đua áp dụng tiến bộ KHKT vào trong sản xuất và Phong trào nông dân tham gia vào chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh lớn của tỉnh. Bằng nhiều biện pháp, nhiều cách làm, nhiều mô hình phong phú, sinh động gắn với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm” hàng chục nghìn hộ nông dân ở hầu khắp các địa bàn dân cư trong tỉnh đã hăng hái đóng góp sức người, sức của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
7. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI, nhiệm kỳ 2003- 2008
Đại hội được tổ chức vào tháng 4 năm 2003 tại hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đại hội đã có 300 đại biểu tham dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 37 ủy viên, đồng chí Võ An Bang, tiếp tục được bầu lại làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Đại hội đã đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát là: Phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và tinh thần cách mạng, tăng cường sức mạnh đoàn kết nông dân các dân tộc, dấy lên phong trào thi đua yêu nước, phát huy mạnh nội lực để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất hàng hóa. Tích cực tham gia xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định tình hình kinh tế, chính trị xã hội. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh để lãnh đạo, tổ chức và động viên nông dân các dân tộc tỉnh nhà phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII đề ra, góp phần xây dựng Đắk Lắk giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa - xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh.
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân đề ra. Đến hết nhiệm kỳ 100% xã, phường, thị trấn và thôn, buôn, tổ dân phố đều có tổ chức Hội; các cấp hội đã phối hợp mở 98 lớp dạy nghề cho hơn 3.404 hội viên nông dân; tín chấp với các ngân hàng giúp cho hơn 62.964 lượt hội viên nông dân nghèo, nông dân khó khăn vay vốn với số tiền 304,11 tỷ đồng để phát triển sản xuất; phối hợp tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật cho hơn 316.600 lượt hội viên nông dân… Thông qua hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất góp phần xoá đói, giàm nghèo; đóng góp trên 14,4 tỷ đồng và 43.900 ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
Đến tháng 9 năm 2005, đồng chí Y Tô Niê K’dăm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk thay cho đồng chí Võ An Bang nghỉ hưu theo chế độ.
8. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII, nhiệm kỳ 2008 - 2013
Đại hội diễn ra từ ngày 15-16/7/2008 tại hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đại hội đã đón 250 đại biểu về dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 34 ủy viên, đồng chí Y Tô Niê K’dăm tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Đại hội đưa ra chủ đề: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết nông dân các dân tộc, xây dựng Hội vững mạnh, thực sự là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế thế giới.
Trong nhiệm kỳ các các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chú trọng đề cao công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, tập trung triển khai thực hiện Đề án số 03 – ĐA/HNDT của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh về nâng cao chất lượng hội viên và hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Hội, giai đoạn 2010 – 2015. Trong nhiệm kỳ đã vận động phát triển được 44.153 nông dân vào Hội, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh lên 203.738 người, chiếm 76,6% so với tổng số hộ nông nghiệp. Bên cạnh đó các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua như: Phong trào Nông dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; Phong trào nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hoá, tham gia xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố văn hoá; Phong trào nông dân tham gia củng cố quốc phòng an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; qua phong trào trung bình mỗi năm đã có khoảng 139.000 hộ nông dân đăng ký đạt chuẩn nông dân SXKDG; bình xét mỗi năm đã có từ 63.000 – 68.000 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân SXKDG chiếm gần 50% so số hộ đăng ký. Bên cạnh đó Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020”, qua đó đã tham mưu đề xuất với các cấp uỷ Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp và các sở, ngành phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để các cấp Hội Nông dân phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội.
9. Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013- 2018
Đại hội được tổ chức vào ngày 21- 22/4/2013 tại hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đại hội đã có 254 đại biểu tham dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2013- 2018 gồm 39 ủy viên, đồng chí Y Tô Niê K’dăm được bầu lại làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Với chủ đề: Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk vững mạnh toàn diện. Đại hội đề ra mục tiêu chính là: Tập hợp, thu hút đông đảo nông dân vào Hội, nâng cao chất lượng hội viên; xây dựng Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động; thực sự là "Trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây nông thôn mới".
Trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác truyền truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Nghị quyết của Hội. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết, rèn luyện phấn đấu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Ban hành Quy định của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về “Những tiêu chuẩn cơ bản trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động cơ quan Hội Nông dân tỉnh.
Trong công tác xây dựng tổ chức Hội, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội các cơ sở Hội đã phối hợp chặt chẽ với Chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố làm tốt công tác nhân sự đưa những hội viên, nông dân hoặc đảng viên nhiệt tình, có tâm huyết vào làm chi hội trưởng, chi hội phó; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sắp xếp bố trí cán bộ khuyến nông viên kiêm chi hội trưởng nông dân. Qua đó việc sinh hoạt chi, tổ hội ngày càng đi vào nề nếp theo quy định Điều lệ hội; nội dung sinh hoạt ngày càng đa dạng, phong phú; gắn hoạt động hội với đời sống vật chất và tinh thần của hội viên. Thực hiện đề án thí điểm xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các cơ sở hội đã triển khai xây dựng được 17 chi hội nghề nghiệp với 598 hội viên và 35 tổ hội nghề nghiệp với 313 hội viên; các chi, tổ hội nghề nghiệp đã góp phần gắn kết hội viên và đi vào hoạt động khá hiệu quả...
Các phong trào thi đua của Hội có bước phát triển mới: Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; bình quân mỗi năm đã có gần 170.000 hộ đăng ký, trong đó có 91.408 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đều có mức thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Hàng năm đã vận động được trên 258.000 hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; qua bình xét cuối năm đã trên 80% hộ nông dân đăng ký đạt chuẩn gia đình văn hóa; 255.380 hộ đăng ký thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, không có người phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội. Trong nhiệm kỳ nông dân trong tỉnh đã đóng góp 104.601 triệu đồng, hiến 56,6 ha đất, 339.640 ngày công ...để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Phối hợp với lực lượng công an tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Nghị quyết 09/1998/NQ – CP và chương trình quốc gia phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người có tiền án, tiền sự tại địa phương… xây dựng 42 câu lạc bộ nông dân với pháp luật với 2.488 thành viên; 190 mô hình chi hội an toàn về an ninh trật tự với 13.982 thành viên…
Ngày 11/01/2016, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 7, khóa VIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018, đồng chí Nguyễn Văn Tư, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh được bầu làm Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, thay cho đồng chí Y Tô Niê K’dăm nghỉ hưu theo chế độ.
10. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023
Được tiến hành trong 02 ngày (18-19/9/2018) tại hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk với sự tham gia của 246 đại biểu. Đại hội đã bầu ra 34 Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Với chủ đề: “Dân chủ - Đoàn kết - Hội nhập - Phát triển”; Đại hội thống nhất đề ra mục tiêu: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong nông dân. Từng bước xây dựng đội ngũ lao động nông thôn có tác phong công nghiệp, có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài nước. Vận động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Tại hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk khoá IX nhiệm kỳ 2018 – 2023, ngày 02/4/2021 Hội nghị đã bầu đồng chí Lại Thị Loan,Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk khoá IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 thay cho đồng chí Nguyễn Văn Tư nghỉ hưu theo chế độ.
11. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Được tiến hành trong 02 ngày (14 -15/9/2023) tại Hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk với sự tham gia của 244 đại biểu. Đại hội vui mừng, phấn khởi được đón tiếp đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy về dự.
Đại hội quyết định số lượng Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là 33 ủy viên, tại Đại hội đã bầu 32 ủy viên. Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 ủy viên, bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; bầu Ủy ban kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra. Đồng chí Lại Thị Loan, Tỉnh ủy viên, Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khoá IX, tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khoá X (nhiệm kỳ 2023- 2028).
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ X, xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 2023 - 2028 là: “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.
HỘI NÔNG DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
[1] Theo Đề cương tuyên truyền 80 năm lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, trang 3- dòng thứ 3 (kèm theo Hướng dẫn số 119-HD/BTGTU, ngày 12/8/2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ).