Thực trạng sản xuất vải thiều Đăk Lăk
Kể từ khi cây vải thiều được đưa vào sản xuất tại Đắk Lắk đến nay đã hơn 15 năm, diện tích vải Đắk Lắk hiện tại là 1.313 ha,tăng hơn 5 lần so với năm 2015,chiếm 3,6% so với tổng diện tích diện tích cây ăn quả Đắk Lắk (36.300 ha). Phần lớn diện tích vải tập trung nhiều ở Ea Kar, M’Đrăk, Krông Păc, Krông Ana, Buôn Hồ, Krông Năng…Năng suất bình quân 10 tấn/ha, sản lương năm 2020 là 6253 tấn (nguồn NGTK Tỉnh). Vụ vải thiều năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiều diện tích vải (kinh doanh ổn định)đã cho năng suất bình quân cao hơn, có thể lên đến đến 14 tấn/ha (400 cây/ha x 35kg/cây), cục bộ có vườn lên đến 20 tấn/ha.Với giá bình quân bán tại vườn là 35000đ/kg, trừ chi phí (25% - 30% tổng thu), người sản xuất vải lãi thuần bình quân từ 300 triệu đến hơn 400 triệu trên mỗi ha vải.Sự ưu thế của cây vải Đăk Lăk là chín sớm hơn khoảng một tháng (bắt đầu thu từ 30/4 đến 20/5) so với vụ thu hoạch vải thiều ở các tỉnh phía Bắc, cùng với chất lượng vải ngon ngọt, phù hợp khẩu vị của khách hàng nên thuận lợi cho đầu ra sản phẩm.Cây vải đã tìm được chỗ đứng ở Đăk Lăk, có giá trị kinh tế cao, đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nhiều nơi đã giúp nông dân giàu lên từ sản xuất vải.
Cây vải sản xuất ở Đắk Lắk, hầu hết là tự phát, trồng thuần (trừ một ít diện tích bắt đầu chuyển đổi có trồng xen trong cà phê) khi mà sản phẩm cà phê rớt giá trong nhiều năm, nông dân đã chuyển đổi sang trồng vải. Đến nay, đã hình thành một số HTX, THT, Câu lạc bộ sản xuất vải thiều tại địa phương này. Giống vải mà Đắk Lắk đang trồng hiện nay là các giống U Hồng, U Trứng, Bình Khê, Phúc Hòa, Thiều U Cẩm Hoàng, Thiều Thanh Hà… nhiều nhất là giống U Hồng.
Với điều kiện tự nhiên phù hợp cùng những sáng tạo, tâm huyết của nông dân Đắk Lắk đã xây dựng được một số vùng có diện tích vải đáp ứng qui trình VietGAP và đã được chứng nhận, bước đầu tạo điều kiện cho nông dân liên kết đầu ra tốt hơn. Như Tổ hợp tác sản xuất vải hàng hóa Ea Sar ( huyện Ea Kar); Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Thanh niên Ea Dăh ( huyện Krông Năng); Tổ hợp tác Vải Ea Na (huyện Krông Ana)…Chứng nhận VietGAP là điều kiện để sản phẩm vải Đắk Lắk được nhiều khách hàng biết đến, cạnh tranh giá trị trên thị trường trong nước và vươn xa hơn nữa. Khi được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, kỳ vọng sản phẩm có thể xuất sang cả thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.Có thể nói cây vải thiều được trồng tại Đắk Lắk đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của nhiều hộ nông dân tại các vùng khó khăn, cây vải cũng đã giúp một số nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú của tỉnh nhà.
Đơn cử như hộ anh Lý Văn Thọ, huyện Ea Kar, vườn vải nhà anh được chuyển đổi từ cây điều và cà phê không hiệu quả. Năm 2020, mới thu hoạch năm thứ 2 nhưng với 300 gốc của gia đình anh đã cho thu được 7,5 tấn, quả to, đều, ngọt, mọng nước, thương lái thu mua tận vườn với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận cao nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng chất đất. Gia đình anh Phạm Hồng Thao ở thôn Giang Thành, xã Ea Dăh huyện Krông Năng, có 2 ha trồng vải theo quy trình VietGAP,vụ vải này được mùa, sản lượng thu khoảng 40 tấn quả, với giá thương lái thu mua 35.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn thu nhập rất cao. Ông Nguyễn Văn Nuôi hơn 200 cây vải kinh doanh lâu năm, mùa này cho 20 tấn trái, trừ chi phí thu nhập của gia đình ước tính cao hơn nhiều so với cà phê, tiêu.Chị Nguyễn Thị Thiều, trồng 1700 cây vải, thu hoạch năm thứ 2 được 60 tấn, vì vải chín sớm bán với giá 40 đến 55 nghìn/kg, trừ chi phí còn lãi được 1,5 tỷ đồng. Anh Phạm Hải Nam, Tổ trưởng THT sản xuất vải Ea Nar (huyện Krông Ana) trồng 4 ha vải U Hồng năm 2016, năm nay anh thu được 50 tấn quả vải, bán với giá bình quân 50 nghìn/ký, trừ chi phí còn lợi nhuận rất cao, chưa kể anh còn bán giống vải cho bà con nhân rộng diện tích tại địa phương.
Để được kết quả trên, từ những ngày đầu sản xuất cây vải, các đơn vị thường xuyên tổ chức cho thành viên đi tham quan các mô hình trồng vải thiều lâu năm hơn ở các địa phương bạn để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây vải; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, công ty chuyên về cây ăn trái có uy tín tổ chức hội thảo, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… Cùng với thực tiễn sản xuất, các hộ nông dân trong các Câu lạc bộ, THT, HTX đã tự hoàn thiện dần kinh nghiệm về kỹ thuật thâm canh vải. Đây là tập hợp của chuỗi các biện pháp kỹ thuật điều chỉnh sinh trưởng và phát triển của cây vải phù hợp với điều kiện bất lợi do biến đổi khí hậu ở địa phương, để từ đó cây vải sinh trưởng ra hoa kết trái theo qui luật sinh lý vốn có của nó. Các yếu tố bất lợi ngẫu nhiên được loại bỏ dần qua từng mùa vụ. Đặc biệt là kỹ thuật xử lý vải ra hoa đậu quả tốt, đã tạo được những mùa vải bội thu, kết quả là năng suất không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước.Một số hộ đã trở thành các chuyên gia nông dân trong sản xuất vải như anh Phạm Hồng Thao (Krông Năng); anh Phạm Hải Nam ((huyện Krông Ana), Nguyễn Duy Tiên (Krông Pak), Vũ Trọng Luyến (TX. Buôn Hồ), Đoàn Văn Thống (Krông Năng), Nguyễn Văn Hòa (Ea Kar)…
Tác giả bên cây vải vườn ông Vũ Trọng Luyến
ông Vũ Trọng Luyến bên cây vải cho quả nhưng năng suất không bằng những năm trước
Huyện Ea Kar là địa phương có diện tích vải nhiều nhất tỉnh, lên đến 700 ha.Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, giống vải trên địa bàn phần lớn là giống u hồng và u trứng, trong đó diện tích cho thu hoạch 500 ha, năng suất đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt 7.500 tấn/năm. Số hộ có diện tích bình quân từ 0,5 – 10 ha chiếm 70% diện tích cây vải hiện có trên địa bàn, vì vậy liên kết tạo thành vùng nguyên liệu có ý nghĩa rất lớn cho việc sản xuất hàng hóa. Trong thời gian tới, huyện Ea Kar sẽ đề xuất quy hoạch phát triển nhân rộng cây vải, hướng đến vùng chuyên canh của tỉnh bởi năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP; tăng cường thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại để đưa quả vải ra thị trường nước ngoài…
Thuận lợi, khó khăn trong phát triển nhân rộng cây vải tại Đăk Lăk
Thuận lợi
Đắk Lắk có biên độ nhiệt ngày đêm lớn, đây là điều kiện để cây vải tích lũy năng lượng cho năng suất, chất lượng sản phẩm vải.Quá trình hình thành hoa rơi vào mùa nắng nhiều (tháng 2 – 3) thuận lợi cho quá trình thụ phấn của cây vải tốt hơn.Vải là cây chịu khô hạn giỏi, nên dễ thích nghi với điều kiện môi trường bất lợi của mùa khô Tây Nguyên.
Cây vải thích nghi với một số chân đất của Đăk Lăk, dễ chuyển đổi trên những diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả. Là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Nông dân chịu khó học hỏi, tiếp cận KHKT qua nhiều “kênh” khác nhau, để tác động hợp lý vào nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây vải, đem lại sự thành công trong sản xuất.Nhiều nông dân sản xuất vải đã tích lũy kinh nghiệm qua quá trình sản xuất để tạo nên những mô hình đặc trưng của địa phương. Đã dần có sự quan tâm của các doanh nghiệp, tiểu thương kết nối tiêu thụ, sản phẩm vải chưa bị dồn ứ trong mùa thu hoạch.
Khó khăn
Nhìn chung, tốc độ phát triển cây vải tại Đăk Lăk còn rất chậm, chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa được qui hoạch phát triển thành vùng chuyên canh lớn bỡi nhiều nguyên nhân.
Chủ yếu phát triển tự phát, học hỏi lẫn nhau để tự chuyển đổi trên diện tích hộ gia đình. Vì vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, cũng như phát triển cây giống vẫn chưa nhân rộng trên cơ sở khoa học.
Điều kiện khí hậu của Tây Nguyên có 2 mùa, mưa và khô, với những diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng quá trình phát triển của cây vải. Đáng chú ý là thời kỳ phân hóa mầm hoa, (ngừng nghỉ sinh trưởng) rơi vào tháng 12 - tháng 1 năm sau, giai đoạn này cây vải cần quỹ thời gian khô và lạnh (ước chừng 200 giờ) để thực hiện phân hóa mầm hoa vải, nếu không có đủ (khô, lạnh) thì cây vải sẽ không ngừng sinh trưởng, tiếp tục ra lộc đông, đồng nghĩa vớiviệc không thực hiện quá trình phân hóa mầm hoa, vải sẽ không ra hoa mà chỉ ra lộc, giảm năng suất.Theo đó, đã có những năm, thời tiết không đáp ứng nhu cầu sinh lý, năng suất cây vải giảm đáng kể.
- Cây vải rất cần nước vào thời kỳ trổ hoa đến nuôi trái, mà giai đoạn ra hoa rơi vào mùa khô của Tây Nguyên, nếu thiếu nước giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vải.Nên thời kỳ này ít nhất 2 ngày phải tưới 1 lần cho cây vải.
Ngoài điều kiện tự nhiên, thì việc tác động các biện pháp kỹ thuật trong điều tiết sinh trưởng và phát triển của cây vải tại Đắk Lắk hết sức quan trọng. Khi lá cứng cáp (lá chuyển màu xanh đều) thì bắt đầu khoanh vỏ để cây vải phân hóa mầm hoa. Tại Đắk Lắk, với từng vùng tiểu khí hậu khác nhau, từng điều kiện chăm sóc khác nhau, kéo theo thời gian khoanh vỏ cây vải khác nhau, có thể chênh lệch giữa các vùng khác nhau từ 5-10 ngày hoặc nửa tháng. Thường mỗi năm, trên mỗi cây khoanh vỏ 01 lần, với kỹ năng trong kỹ thuật khoanh vỏ “sắt nét” thì cây vải mới hạn chế quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, tập trung sinh trưởng sinh thực. Việc khoanh vỏ, sẽ cắt dòng Cytokinin được tạo ra trong ngọn rễ vận chuyển lên thân, cành, hạn chế kích thích phân chia tế bào, đặc biệt là sự phân hóa chồi, để cây vải tập trung phân hóa mầm hoa.Nếu không nắm được kỹ thuật khoanh vỏ sẽ không hiệu quả, thậm chí làm chết cây (Năm 2020 gia đình anh Vũ Trọng Luyến (TX.Buôn Hồ), đã sơ ý trong kỹ thuật khoanh vỏ làm chết đến 60 cây vải đang thời kinh doanh). Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà người sản xuất lo lắng.Thường thì cây vải Đắk Lắk khoanh vỏ từ đầu tháng 9 đến trung tuần tháng 9 dương lịch.
Về vấn đề cung cấp dinh dưỡng cho cây vải, qua trao đổi với một số hộ sản xuất vải chuyên nghiệp cho thấy, hiện tại chưa có một qui trình phân bón cụ thể cho cây vải tại Đắk Lắk, nên người sản xuất có thể chưa khai thác được hết tiềm năng về năng suất.
Một khó khăn nữa là đối với cây vải Đắk Lắk, vào mùa thu hoạch, nếu chưa có tiểu thương đến mua,thu hoạch chậm thì bị sâu đục cuốn quả phát sinh gây hại, giai đoạn này không được sử dụng thuốc, nên ảnh đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Trong khi đó, phát triển sản xuất vải còn nhỏ lẻ, chưa hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất vải,chưa chủ động trong thu hoạch để ổn định đầu ra.
Vấn để nhân giống cũng là một yếu tố quan tâm, bỡi lẽ hiện nay bà con trồng vải trên địa bàn tỉnh thường sử dụng giống vải từ biện pháp chiết cây để giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ, cho năng suất cao. Tuy nhiên, biện pháp này có hệ số nhân giống thấp, bộ rễ của giống cây vải chiết từ cành ăn nông (từ 0 – 60 cm) nên không thuận lợi trong mùa gió của Tây Nguyên cũng như cây khó khai thác nước và dinh dưỡng ở tầng thấp, cần phải đầu tư tưới tiêu đầy đủ. Khi hệ số nhân giống thấp, giá thành của giống sẽ cao, tăng thêm kinh phí đầu tư. Trong khi đó, thị trường giống cây vải phần lớn chưa được chứng nhận của các cơ quan chức năng nên nông dân không đủ niềm tin để mở rộng phát triển sản xuất.
Kinh nghiệm và giải pháp cho sản xuất vải Đắk Lắk
Theo những nông dân trồng vải giàu kinh nghiệm, để trồng thành công loại cây này nông dân phải nắm rõ đặc tính sinh học của cây nhằm có biện pháp chăm sóc điều chỉnh sao cho phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng trồng.Bởi chỉ cần thiếu sót một trong những yếu tố tác động sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây vải.Phải chủ động nguồn nước tưới. Để hình thành vụ vải ra sớm, thì ngay từ đầu đã có có bước thúc lộc ra sớm bằng biện pháp cung cấp dinh dưỡng kịp thời, hợp lý để cây hình thành lộc. Đây là điều kiện để khoanh vỏ vải sớm, ra hoa sớm, thu hoạch vải sớm. Khi khoanh vỏ nếu cây vải có 2-3 thân, thì phải chừa ra một thân nhỏ nhất không được khoanh, nếu định khoanh ở cành, thì phải chừa lại một cành không khoanh, cho cây vận chuyển dinh dưỡng, nước và các chất cần thiết từ rễ lên thân, cành và chuyển một số chất ngược lại, để cây sinh trưởng và phát triển ổn định.Sau khi khoanh vỏ phải xử lý vết thương để hạn chế thấp nhất nấm và vi khuẩn xâm nhập gây thối thân. Phải cung cấp đầy đủ phân hữu cơ cho cây vải ngay đầu mùa mưa, sau khi thu hoạch để đất tơi xốp và kịp thời phục hồi dinh dưỡng cho cây.
Các hộ sản xuất vải, tổ chức liên kết lại với nhau thành từng khu vực với diện tích và sản lượng vải lớn, dễ kết nối với các doanh nghiệp thu mua vải với số lượng lớn.
Để phát triển nhân rộng diện tích loại cây này, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức khảo sát, đánh giá sự thích nghi của cây vải với điều kiện tự nhiên của từng vùng tiểu khí hậu, đất đai phù hợp. Theo đó, có qui hoạch cụ thể từng địa phương, từng khu vực, để người sản xuất mạnh dạn đầu tư vào phát triển cây vải.Sau khi qui hoạch, hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo liên kết chuỗi giá trị với nông dân để tổ chức sản xuất đồng bộ.Dần đi đến xây dựng nhà máy chế biến tại cơ sở để gia tăng giá trị sản phẩm vải. Đảm bảo cho người sản xuất an tâm từ đầu vào (chuyển giao các tiến bộ KHKT, đầu tư vật tư thiết yếu trong sản xuất cho nông dân) đến đầu ra (bao tiêu sản phẩm).
Trước mắt, phải đào tạo được nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt là công nghệ sinh học) trong sản xuất vải, hỗ trợ người sản xuất về kỹ thuật tác động như: Qui trình phân bón, cách bón phân cho cây vải; kỹ thuật khoanh vỏ; ứng dụng công nghệ thông minh vào hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước, để cung cấp nước và dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh lý cây vải qua từng giai đoạn. Phù hợp với điều kiện thiếu nước mùa khô Tây Nguyên. Quản lý và hướng dẫn cụ thể về hoạt động sản xuất và phân phối giống cây vải chất lượng cho người trồng.Tổ chức đánh giá và hỗ trợ nông dân trong việc cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…để thuận lợi cho người sản xuất liên kết đầu ra.
Tiềm năng phát triển cây vải tại Đắk Lắk
Hiện tại Đắk Lắk vẫn còn những vùng sản xuất một số loại cây trồng không hiệu quả, đây là quỹ đất cần thiết để rà soát, khảo sát và lên kế hoạch chuyển đổi sang trồng vải để mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới.
Được biết, hiện quả vải là một trong 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nếu chất lượng vải đáp ứng các yêu cầu đề ra (truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói...). Điều quan trọng nữa là hiện nay Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chính vì vậy quả vải của Đắk Lắk không chỉ cạnh tranh với quả vải trong nước mà còn cạnh tranh với các nước có cùng sản phẩm. Mặc dù, quả vải Đắk Lắk đang không đủ cung ứng cho thị trường, nhưng trên thực tế mới tiêu thụ nội địa, sản phẩm còn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho xuất khẩu. Do đó, ngành nông nghiệp phải định hướng sâu hơn về cách thức, quy mô sản xuất cho bà con nông dân và phải bảo đảm tổ chức sản xuất sản phẩm có chất lượng thì ngành công thương mới thương mại được sản phẩm.
Theo Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trong tương lai, quả vải sẽ hướng đến xuất khẩu sang các nước. Hiện tại là tổ chức khâu sản xuất thật tốt để tạo được những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yếu tố mà các nước đã đề ra. Hiện Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các huyện trọng điểm trồng vải rà soát, thống kê diện tích trên địa bàn để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã vùng trồng cho quả vải Đắk Lắk nhằm tạo điều kiện cho quả vải của tỉnh được xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Do đó, Sở Công thương cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường.
Sở NN-PTNT cho biết, đến thời điểm này, riêng cây vải Đắk Lắk đã được cấp 9 mã vùng trồng, với tổng diện tích 110 ha, tập trung ở huyện Krông Năng. Hiện Sở đang tiếp tục hướng dẫn các địa phương về trình tự thủ tục để đề nghị cấp thêm mã vùng trồng cho cây vải ở các địa phương khác.
Cẩm Lai
- Về vườn, xem nông dân canh tác cà phê thông minh (02/04/2025, 15:49)
- Tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế (30/09/2024, 16:24)
- Trao sinh kế hỗ trợ giảm nghèo (01/03/2024, 14:18)
- Huyện Ea Kar có trên 10.500 nông hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (09/01/2024, 15:04)
- Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới (03/10/2023, 20:33)
- Thoát nghèo nhờ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân (24/03/2023, 21:48)
- Quả ngọt từ mô hình “ Nhãn Hương Chi” (17/02/2023, 23:15)
- HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH TRỒNG DÂU NUÔI TẰM (12/05/2022, 16:37)
- Cây Vải Đăk Lăk cần lắm sự liên kết chuỗi giá trị bền vững (25/04/2022, 15:56)
- Hội Nông dân xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin ra mắt mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng trọt (11/03/2022, 18:32)
- Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất sầu riêng (04/03/2022, 16:03)