Vừa qua, UBND xã Hòa Thắng phối hợp với các đơn vị liên quan,tổ chức tổng kết và tiến hành trao Chứng nhận VietGAP cho mô hình sản xuất bơ của THT sản xuất nông nghiệp sạch Hòa Thắng, với diện tích gần 25ha, ước sản lượng hơn 53 tấn/nămcủa 22 hộ tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một trong nhiều mô hình mà thành phố Buôn Ma Thuột đã và đang hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP.
Được biết, những mô hình đạt chứng nhận VietGAP tại Buôn Ma Thuột trong thời gian gần đây dựa trên chủ trương của tỉnh Đăk Lăk về “Hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND,tháng 2 năm 2017). Theo đó, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, thông qua năng suất và chất lượng được chứng nhận VietGAP, tạo liên kết đầu ra bền vững cho nông dân trên địa bàn Thành phố,UBND Thành phố Buôn Ma Thuột đã quan tâm hỗ trợ nhiều mô hình cây ăn quả, rau quả sản xuất an toàn, chất lượng được chứng nhận VietGAP, trong đó một số mô hình dần đi đến sản xuất theo chứng nhận hữu cơ trên địa bàn Thành phố. Riêng từ năm 2019 đến năm 2021, Thành phố đã quan tâm, phối hợp với Tổ chức chứng nhận VSCB (tại 32 Tản Đà, Tp. Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đăk Lăk) cùng với các phòng ban chuyên môn (thuộc UBND Thành phố) hỗ trợ, tổ chức triển khai và cấp chứng nhận VietGAP cho nhiều loại cây trồng giá trị như: chứng nhận VietGAPHTX sản xuất Thanh long Cư Êbur, chứng nhận VietGAP cho Ổi, mít, quýt, bưởi, xoài của Tổ hợp tác trái cây Tiến Phát Hòa Phú, chứng nhận VietGAP cho mô hình nấm các loại của HTX nấm Hà Hương phường Tự An,chứng nhận VietGAP cho mô hình dưa lưới phường Khánh Xuân, chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác rau an toàn xã Cư Êbur, VietGAP cho Tổ hợp tác rau an toàn Ea Tu, chứng nhận VietGAP cho sản phẩm sầu riêng và bơ HTX nông nghiệp Thuận Thành Đạt lý xã Hòa Thuận. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục cấp chứng nhận VietGAP cho sầu riêng và bơ cho HTX Công bằng Ea Tu và chứng nhận chuyển đổi mô hình sản xuất Rau Hữu cơ tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột.
Mô hình trồng ổi VietGAP xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột
Mô hình trồng xoài VietGAP xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột
Được biết, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn “thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam– VietGAP”, là các sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các hóa chất và các chất độc hại với cơ thể con người cũng như môi trường. Những sản phẩm này được sản xuất và thu hoạch đúng quy trình, có nguồn thông tin truy xuất rõ ràng. Tiêu chuẩn này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.
Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP phải dựa trên 4 tiêu chí cơ bản như tiêu chuẩn về “kỹ thuật sản xuất”, có quy định cụ thể về kỹ thuật áp dụng từ khâu chọn đất, giống, phân bón cho đến thu hoạch theo đúng quy định cụ thể cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tiêu chuẩn về “An toàn thực phẩm”, gồm các biện pháp được dùng để đảm bảo thực phẩm không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, tuyệt đối an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Tiêu chuẩn về“môi trường làm việc”, đất canh tác tốt, đầy đủ nguồn nước đảm bảo đúng tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân. Tiêu chuẩn về“truy tìm nguồn gốc sản phẩm”, cho phép người tiêu dùng dễ dàng xác định được sản phẩm qua quá trình từ nguồn giống đến khi thành phẩm và đưa ra thị trường.Đồng thời qua truy xuất nguồn gốc, người dùng sẽ biết đầy đủ thông tin chính xác về doanh nghiệp sản xuất.
Tại buổi tổng kết, trao chứng nhận VietGAP cho mô hình sản xuất bơ của THT sản xuất nông nghiệp sạch Hòa Thắng, ông Trần Hồng Nhật, đại diện lãnh đạo Tổ chức chứng nhận VSCB cho biết, để được cấp chứng nhận ViêtGAP cho sản phẩm nông nghiệp, phải trải qua hàng loạt các bước thực hiện như, tổ chức tập huấn; đánh giá lựa chọn vùng sản xuất; phân tích mẫu đất, nước, đánh giá về cơ sở vật chất nơi triển khai; chuyển giao quy trình sản xuất; hướng dẫn điều kiện làm việc và vệ sinh cá nhân;hướng dẫn người sản xuất quản lý đất, giá thể, nước và vật tư đầu vào; hướng dẫn thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sản phẩm;phương pháp quản lý rác thải, chất thải;quản lý sản phẩm và truy suất nguồn gốc.…Nếu qua quá trình chuyển giao, đáp ứng các tiêu chí theo qui định, đặc biệt phân tích đánh giá mẫu sản phẩm đạt chất lượng thì mới được cấp chứng nhận. Và chứng nhận VietGAP trên cây bơ cũng như các loại cây trồng khác có hiệu lực trong 3 năm, sau đó sẽ tiếp tục đánh giá để tái cấp. Đồng nghĩa với việc người sản xuất phải luôn tuân thủ duy trì các qui định, cùng các tác động trong quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để duy trì chất lượng sản phẩm.
Cẩm Lai
- Về vườn, xem nông dân canh tác cà phê thông minh (02/04/2025, 15:49)
- Tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế (30/09/2024, 16:24)
- Trao sinh kế hỗ trợ giảm nghèo (01/03/2024, 14:18)
- Huyện Ea Kar có trên 10.500 nông hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (09/01/2024, 15:04)
- Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới (03/10/2023, 20:33)
- Thoát nghèo nhờ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân (24/03/2023, 21:48)
- Quả ngọt từ mô hình “ Nhãn Hương Chi” (17/02/2023, 23:15)
- HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH TRỒNG DÂU NUÔI TẰM (12/05/2022, 16:37)
- Cây Vải Đăk Lăk cần lắm sự liên kết chuỗi giá trị bền vững (25/04/2022, 15:56)
- Hội Nông dân xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin ra mắt mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng trọt (11/03/2022, 18:32)
- Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất sầu riêng (04/03/2022, 16:03)