1. Phân bón
Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất
2. Phân bón vô cơ
Phân bón vô cơ là loại phân bón được sản xuất từ khoáng thiên nhiên hoặc từ hóa chất, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng, có các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó:
Chất dinh dưỡng đa lượng là các chất bao gồm đạm tổng số (Nts), lân hữu hiệu (P2O5), kali hữu hiệu (K2Ohh) ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được;
Chất dinh dưỡng trung lượng là các chất bao gồm canxi (Ca), magiê (Mg), lưu huỳnh (S), silic hữu hiệu (SiO2hh) ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được;
Chất dinh dưỡng vi lượng là các chất bao gồm bo (B), côban (Co), đồng (Cu), sắt (Fe), mangan (Mn), molipđen (Mo), kẽm (Zn) ở dạng cây trồng có thể dễ hấp thu được.
3. Các loại phân bón vô cơ
Phân bón đơn đa lượng hay còn gọi là phân khoáng đơn, gồm:
Phân đạm: Trong thành phần chính chỉ chứa một chất dinh dưỡng đa lượng là đạm. Các loại phân đạm bao gồm phân urê, nitrat amon, sunphat amoni, clorua amoni, các muối vô cơ dạng nitrat, xianamit và hợp chất chứa nitơ có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục;
Phân lân: trong thành phần chính chỉ chứa một chất dinh dưỡng đa lượng là lân. Các loại phân lân bao gồm phân lân nung chảy, supephosphat đơn, supephosphat kép, supephosphat giàu, can xi phosphat và các hợp chất có chứa phospho có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất trồng vón cục;
Phân kali: trong thành phần chính chỉ chứa một chất dinh dưỡng đa lượng là kali. Các loại phân kali bao gồm phân kali clorua, kali sulphat, kali clorat và các hợp chất chứa kali có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục.
Phân trung lượng: trong thành phần chính chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng trung lượng có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục.
Phân phức hợp: trong thành phần có chứa ít nhất 2 (hai) chất dinh dưỡng đa lượng liên kết bằng liên kết hóa học (Phân diamoni phosphat (DAP), monoamoni phosphat (MAP), sun - phat Ka - li Ma - giê, kali nitrat, amoni polyphosphat (APP), nitro phosphat, kali dihydrophosphat ...) có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục.
Phân hỗn hợp: được sản xuất bằng cách phối trộn trừ hai hay nhiều loại phân vô cơ ở trên, như: phân đơn, phân trung lượng, phân vi lượng, phân phức hợp trở lên có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục.
2. Vai trò của các nguyên tố dinh dưỡng
Nhóm đa lượng: đây là nhóm các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cây trồng cần nhiều bao gồm: đạm (N), lân (P), kali (K).
Đạm (Ni tơ - N):
Đạm là hợp phần quan trọng của chất hữu cơ cấu tạo nên diệp lục tố, nguyên sinh chất, axít nucleic, protein; thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của các mô sống. Đảm cải thiện chất lượng của rau ăn quả, hạt ngũ cốc. Đạm góp phần quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng.
Nguồn đạm chủ yếu là Sunfat amôn, urê, Canxi nitrat, Canxi amôn nitrat, natri nitrat, Kali nitrat, amôn phốt phát.
Triệu chứng thiếu hụt đạm:
Khi thiếu: Cành lá sinh trưởng kém, lá non nhỏ, là già dễ bị rụng, bộ rễ ít phát triển, xuất hiện màu xanh lợt đến vàng nhạt trên các lá già, bắt đầu từ chóp lá. Khi thiếu trầm trọng số hoa bị giảm nhiều, năng suất thấp, hàm lượng protein thấp.
Nếu thừa: Cây sinh trưởng mạnh, ức chế sự ra hoa, tán lá xum xuê, lá mỏng, cây yếu dễ đổ ngã, dễ bị sâu bệnh tấn công.
Lân (Phosphorus - P)
Nguồn lân chủ yếu là DAP; MAP; TSP; NPK, lân nung chảy, supephosphat đơn, supephosphat kép, supe phosphat giàu, canxi phosphat.
Lân là trung trâm trong quá trình trao đổi năng lượng và protein của cây.
Lân có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và vận chuyển các hợp chất hữu cơ trong cây, lân kích thích bộ rễ của cây phát triển và tạo điều kiện để có thể đồng hóa các chất dinh dưỡng khác. Lân tham gia vào thành phần của axit Nucleic và màng tế bào, tạo thành ATP là vật chất mang và tải năng lượng. Lân thường chiếm từ 1 - 14% trọng lượng chất khô của cây. Khi thiếu lân thì phần già biểu hiện trước và dẫn tới tích lũy đạm dạng Nitrat gây trở ngại cho việc tổng hợp Protein. Cành lá, rễ sinh trưởng chậm, cây thấp bé, lá có màu tím hoặc tím đỏ ảnh hưởng đến tổng hợp chất bột, hoa nở khó. Bón đủ lân cây ra nụ và ra hoa sớm hơn.
Thiếu lân cây ngừng tăng trưởng hay tăng trưởng yếu nhưng lá vẫn xanh nhiều hơn vàng. Hoa hồng thiếu lân thường xuất hiện những vệt tím thẫm dưới lá làm lá rụng sớm, khi đó cây sẽ yếu và ngừng tăng trưởng. Bắp cải và bông cải thiếu lân thường có những đốm tím trên lá.
Supe lân và Lân nung chảy là hai dạng lân được sử dụng rộng rãi nhất. Những dạng lân tan tốt trong nước gồm (DAP) (di - ammonium phosphat) MPA (môn - ammonium phosphat), kali phosphat. Bột xương cung cấp lân nhưng đó là dạng lân chậm tan. Phân gia cầm chứa lượng lân hợp lý.
Triệu chứng thiếu hụt lân
Khi thiếu: Rễ phát triển kém, lá mỏng có thể chuyển màu tím đỏ, ảnh hưởng tới việc ra hoa của cây, quả ít, chín chậm, thường có vỏ dày, xốp và dễ bị thối, nấm bệnh dễ tấn công, do Lân là thành phần của vách tế bào.
Nếu thừa: rất khó phát hiện, tuy nheiem dễ làm cho cây thiếu kẽm và đồng.
Kali (Potassium - P)
Nguồn Kali chủ yếu là KCL, K2O và Sun-phat Ka-li.
Kali giúp tăng khả năng thẩm thấu qua màng tế bào, điều chỉnh độ pH, lượng nước ở khí khổng.
Kali không thực sự là thành phần cấu tạo nên mô thực vật nhưng cây cần được cung cấp lượng Kali lớn cho tất cả mọi bộ phận. Kali ảnh hưởng đến sự kiểm soát nước trong quá trình thoát hơi nước khỏi thực vật, Kali cũng hoạt động như chất xúc tác trong quá trình thành lập hoặc dữ trữ tinh bột, protein ...
Khi ánh sáng yếu Kali có tác dụng kích thích quang hợp, tăng sức đề kháng cho cây.
Cần lưu ý rằng Kali dễ tan, dễ rửa trôi trong thời gian mưa nhiều và ngập nước, vì thế ở những vùng nhiệt đới với lượng mưa cao người ta thường bón nhiều Kali.
Triệu chứng thiếu hụt Kali
Khi thiếu: Ban đầu đỉnh lá già bị cháy; thiếu nặng, phần lớn lá bị cháy và rụng đi. Cây phát triển chậm và còi cọc, thân cây dễ bị đỗ ngã.
Nếu thừa: Cũng khó nhận diện, tuy nhiên trên cam khi bón Kali nhiều quá trái trở nên sần sùi.