Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt nam (14/10/1930 - 14/10/2021), các cấp Hội Nông dân trong tỉnh và cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhau ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam, truyền thống cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trong 91 năm qua. Qua đó khẳng định vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam gắn với từng thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ra sức thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng tổ chức Hội các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện hiệu quả các phong trào nông dân, chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết Đại hội Nông dân các cấp; khơi dậy phát huy tinh thần đoàn kết của cán bộ, hội viên, nông dân khắc phục khó khăn, giúp nhau cùng vượt qua đại dịch Covid-19.
I. Sự hình thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam
1. Từ năm 1925 đến năm 1929, phong trào đấu tranh của nông dân rộng khắp với số người tham gia rất đông tại các tỉnh, thành phố. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân ngày càng trưởng thành. Nhiều tổ chức của nông dân như: hội lợp nhà, hội hiếu hỷ, hội tương tế được nông dân hoặc các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân; nhiều vùng nông thôn đã trở thành “làng Đỏ”.
2. Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã ra Nghị quyết về Tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó nêu rõ: “Phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương tổng Nông hội. Phải tổ chức đội tự vệ của nông dân”; thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (Tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) và thông qua Điều lệ trong đó nêu rõ mục đích: nhằm thống nhất hết thảy Tổng Nông hội Đông Dương để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân để thực hiện cách mạng thổ địa.
3. Trong giai đoạn cách mạng 1931-1935, tổ chức Hội Nông dân có tên gọi chung là Nông hội đỏ. Về nhiệm vụ, ngày 20/3/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội Đỏ; Chỉ thị nêu rõ: Củng cố khối bần, cố nông, đoàn kết với trung nông, rèn luyện vai trò vô sản lãnh đạo nông thôn; Đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng; tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng; đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh.
4. Trong giai đoạn cách mạng 1936 - 1939, tổ chức Hội và nông dân đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và quyết định đổi tên Nông hội đỏ thành Nông hội. Nông hội có nhiệm vụ thu hút đông đảo nông dân đoàn kết đấu tranh đòi cứu tế nạn đói, giảm tô, giảm tức, cải cách hương thôn, đòi chia lại ruộng đất công, chống sưu cao thuế nặng, phù thu lạm bổ, chống nạn cướp ruộng đất…
5. Trong giai đoạn cách mạng 1939 - 1945, tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5/1941 đã thông qua Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Trong đó nêu rõ: chính sách hiện tại của Đảng là chính sách cứu quốc, cho nên mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về cứu quốc là cốt yếu. Vì vậy: “Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội”. Tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chủ yếu là: Liên hiệp tất cả hết thảy các hạng nông dân yêu nước để bênh vực quyền lợi hàng ngày cho nông dân và cùng các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại quyền độc lập cho nước Việt Nam.
6. Trong giai đoạn cách mạng 1945 - 1954, Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội mới chỉ hình thành và hoạt động từ cấp tỉnh trở xuống. Đến cuối năm 1949, Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28/11 đến ngày 07/12/1949 đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau này đổi tên là Ban Liên lạc nông dân toàn quốc). Về nhiệm vụ, đáp ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nông dân cả nước đã đoàn kết, hăng hái tham gia thực hiện cùng một lúc 2 nhiệm vụ chiến lược là “Kháng chiến” và “Kiến quốc”.
7. Trong giai đoạn cách mạng 1954 - 1975, ở giai đoạn này, nông dân và tổ chức của mình đã tích cực thực hiện xây dựng xã hội chủ nghĩa (ở miền Bắc) và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược (ở miền Nam). Ở miền Nam, tổ chức Hội có tên gọi là Hội Nông dân giải phóng. Đây là hạt nhân chính trị của phong trào và tổ chức nông dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Về nhiệm vụ, hòa chung cùng nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam và tổ chức của nông dân Việt Nam phải cùng một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.
8. Trong giai đoạn cách mạng 1975 - 1986, ngày 25/6/1979 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương thành một cơ quan riêng (trước đây nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư. Sau đó, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân trong cả nước với hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở và lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Về nhiệm vụ, tập hợp đoàn kết rộng rãi nông dân lao động, giáo dục vận động nông dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam…
9. Giai đoạn từ năm 1986 đến nay, đây là giai đoạn nông dân và tổ chức của mình cùng nhân dân cả nước tập trung thực hiện Đường lối “Đổi mới”, “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa”, “Hội nhập quốc tế”. Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên Hiệp nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam và tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 69 – CT/TƯ về việc Tổ chức kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập Hội tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng.
10. Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua 07 kỳ đại hội
- Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1988 - 1993)
+ Đại hội được tổ chức từ ngày 28/3 - 29/3/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 613 đại biểu thay mặt cho 11.188.789 hội viên của cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và bầu 17 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
+ Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại, đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên chặng đường lịch sử vẻ vang gần 6 thập kỷ, mở ra giai đoạn phát triển mới của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, từ đây, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân chính thức được thành lập, có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở, khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.
- Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023)
Đại hội được tổ chức từ ngày 11-13/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 999 đại biểu đại diện cho 10.192.865 hội viên cả nước. Đại hội vinh dự được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan thông tấn báo chí. Đại hội đã bầu 119 uỷ viên Ban Chấp hành; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII họp ngày 12/12/2018 tại Hà Nội đã bầu 21 uỷ viên Ban Thường vụ; đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đây là Đại hội của tinh thần: “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Đại hội xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2018-2023) là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Hội Nông dân Việt Nam cần nắm chắc nguyên tắc liên minh công nông, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động, tuyên truyền miệng với phương pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023
II. Sự hình thành và phát triển của Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân trong 91 năm qua, phong trào nông dân tỉnh Đắk Lắk và tổ chức Hội Nông dân tỉnh liên tục có những bước phát triển không ngừng góp phần vào thành công của phong trào nông dân cả nước.
Thực tế vấn đề vận động nông dân và vận động đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng vạch ra từ rất sớm. Tuy nhiên, sau khi Đảng ra đời, do điều kiện chính trị - xã hội cụ thể, Đắk Lắk lúc bấy giờ chưa trực tiếp nhận được ánh sáng cách mạng của Đảng. Việc tổ chức vận động cách mạng chỉ được bắt đầu sau khi thực dân Pháp xây dựng nhà đày Buôn Ma Thuột để giam cầm các chiến sĩ cộng sản và nhà đày đã trở thành nơi gieo mầm cách mạng vào trong quần chúng Nhân dân. Cuối năm 1940, trước yêu cầu của tình hình cách mạng, một số tù nhân cũ và liên hệ với nhau thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản.
Tháng 5 năm 1945, các cơ sở của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc phát triển khá rộng rãi trong tỉnh. Hội Nông dân cứu quốc lúc này cũng đã hình thành cấp tỉnh, do đồng chí Nguyễn Mè (một trong ba đồng chí đảng viên đầu tiên của chi bộ Lạc Giao) phụ trách. Ngày 24-8-1945, cuộc Mit tinh giành chính quyền diễn ra trọng thể tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột, tham dự mít tinh có lực lượng vũ trang của các đồn điền, Nhân dân thị xã, thanh niên, học sinh, viên chức, nhân sĩ trí thức các dân tộc và toàn bộ lực lượng bảo an binh. Đặc biệt có 3000 đồng bào các dân tộc Êđê, M’Nông, Gia Rai từ các buôn làng ven thị xã tham gia. Đó là mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần vào thắng lợi của cách mạng cả nước.
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nông dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện là lực lượng nòng cốt của cuộc kháng chiến. Với bản chất yêu nước, cách mạng, nông dân một lòng hướng về kháng chiến, cung cấp sức người, sức của, đảm bảo hậu cần cho bộ đội đánh giặc, góp phần vào thắng lợi Cuộc Kháng chiến chống pháp với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tháng 10 năm 1966: Đồng chí A ma Quang (Phó Bí thư Tỉnh ủy) thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ký Quyết định thành lập tổ chức Nông hội tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời chỉ định Ban Chấp hành Nông hội tỉnh gồm 3 đồng chí, đồng chí Ninh Đức Thọ (Trần Trương) - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Bí thư Nông hội.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma thuột (ngày 10/3/1975) và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vào ngày 30-4-1975. Suốt chặng đường chống Mỹ cứu nước, cùng với phong trào nông dân, tổ chức Nông hội ra đời từ những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp Nông hội không ngừng được kiện toàn và củng cố, trở thành nơi tập hợp nông dân ưu tú cả ở trong vùng căn cứ, vùng giải phóng và vùng tranh chấp, cống hiến xứng đáng cho phong trào cách mạng của tỉnh; góp phần to lớn vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30-4-1975): Nông hội tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động, sau đó trở thành một bộ phận công tác thuộc Ban Cải tạo Nông nghiệp Tỉnh ủy, lúc đầu có 11.500 hội viên. Ngày 13-2-1976, Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 31/TC thành lập Ban Nông vận tỉnh gồm 5 thành viên do ông Nguyễn Tiễn (Ama Đam) làm Bí thư.
Ngày 03-7-1978, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 326-QĐ/TU về việc thành lập Nông hội tỉnh do đồng chí Nguyễn Đức Nhuần (A ma Đức) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách và ngày 10-12/7/1978, tổ chức Hội nghị Đại biểu Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ nhất, hội nghị bầu ra 15 Ủy viên Ban Chấp hành, đồng chí Lê Thanh Sơn, Tỉnh ủy viên làm Chánh Thư ký Nông hội tỉnh.
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã qua 09 kỳ đại hội
Đại hội đại biểu Nông dân tập thể tỉnh Đắk Lắk lần thứ nhất (ngày 24-25/9/1981): Tổ chức tại hội trường Câu lạc bộ lao động tỉnh với 152 đại biểu tham dự. Đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm 23 ủy viên, đồng chí Nguyễn Đức Nhuần được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023: Được tiến hành trong 02 ngày (18-19/8/2018) tại hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk với sự tham gia của 246 đại biểu, đại diện cho hội viên, nông dân trong tỉnh. Chủ đề của Đại hội: “Dân chủ - Đoàn kết - Hội nhập - Phát triển”.
Đại hội đã bầu 34 Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng chí Nguyễn Văn Tư, tái đắc cử giữ chức Chủ tịch. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk họp ngày 02/4/2021 tại thành phố Buôn Ma Thuột đã bầu đồng chí Lại Thị Loan,Tỉnh uỷ viên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hình Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk khoá IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 thay cho đồng chí Nguyễn Văn Tư được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho nghỉ hưu.
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ III
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk lần thứ IX
Trong 10 năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk, sự phối hợp tạo điều kiện có hiệu quả của các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, công tác Hội và phong trào nông dân trong tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến ngày 30/9/2021, toàn tỉnh có 190.726 hội viên thuộc 184 cơ sở Hội; 2.463 chi Hội; 3.427 tổ hội.
Các cấp Hội phát huy tốt vai trò “Trung tâm và nòng cốt thúc đẩy phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới”; tập hợp, đoàn kết và đại diện cho giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Tuyên truyền, vận động tổ chức cho hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của Đảng, các cấp, các ngành phát động; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk.
HỘI NÔNG DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
- Hội Nông dân tỉnh phát động thi đua năm 2025 (13/03/2025, 15:48)
- Hội thảo “Nông dân với phát triển cà phê bền vững” (13/03/2025, 15:44)
- Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân (31/12/2024, 15:06)
- ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA HỘI NÔNG DÂN TỈNH VÀ BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH THĂM CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG VÀ HỘI VIÊN NÔNG DÂN CÁC XÃ BIÊN GIỚI (31/12/2024, 08:28)
- Toàn tỉnh có 360 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp (20/11/2024, 15:10)
- Hội thi Tuyên truyền viên giỏi tỉnh năm 2024 (04/11/2024, 09:00)
- Giới thiệu, quảng bá trên 200 mặt hàng nông sản tiêu biểu (30/10/2024, 18:36)
- Trên 1.000 công trình, phần việc của nông dân chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (30/10/2024, 18:16)
- Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04, 05, 06-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. (30/10/2024, 18:01)
- Hội Nông dân xã Ea Wer phối hợp với UBND xã: Tổ chức Hội nghị ra mắt Hợp tác xã Nông nghiệp Bưởi da xanh Lương Đình (09/10/2024, 21:03)
- Đoàn Giám sát Hội Nông dân tỉnh kiểm tra chuyên đề về BHXH, BHYT (30/09/2024, 16:11)