Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Cư M’gar đã tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) đến hội viên, nông dân (HVND), xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng những công nghệ tiến bộ góp phần thúc đẩy Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Tạo ra những mô hình hiệu quả
Trước đây, vườn khoai lang với diện tích 5 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Cường (thôn An Phú, xã Ea Đrơng) sử dụng tưới nước theo phương thức truyền thống, không chỉ tốn công, lượng nước thất thoát nhiều, cây lại không hấp thu hết, tăng chi phí sản xuất... Năm 2019, ông Cường quyết định áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống nhỏ giọt diện tích cây trồng, đồng thời bón phân cân đối, quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây ngắn ngày theo quy trình. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình tưới nước tiết kiệm này đã phát huy tác dụng, lượng nước tiết kiệm khoảng được 50% so với tưới truyền thống; đồng thời tưới tiết kiệm còn giúp đưa lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được hòa tan thẩm thấu vào rễ cây trồng thông qua đường ống nước, giúp cây hấp thu nhanh hơn… Nhờ đó, ông mạnh dạn liên kết với công ty Pepsi Lâm Đồng mở rộng diện tích lên 320 ha trồng khoai lang và khoai tây, bình quân hàng năm tổng sản lượng trên 8.000 tấn khoai các loại, trừ chi phí lợi nhuận theo vụ hàng trăm triệu đồng.
Ông Lê Văn Hùng ở thôn 2 (xã Cư M'gar) cho biết, gia đình ông có gần 3 ha đất, trước đây trồng cà phê, do không biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất hàng năm không đạt bao nhiêu. Được sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Nông dân xã qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông cũng đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích cà phê kém năng suất để chuyển sang trồng hồ tiêu. Đến nay gia đình ông Hùng có 3 ha cà phê kinh doanh. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về trên 10 tấn cà phê nhân, gần 5 tấn tiêu cho lợi nhuận trên 600 triệu đồng.
Từ mô hình chăn nuôi tằm theo chuỗi khép kín, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Phú Khang (xã Ea Kiết) đã tạo điều kiện cho các thành viên tham gia có thu nhập ổn định ở mức 150 - 200 triệu đồng/năm. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tằm nguyên liệu phải bảo đảm sạch nên khâu trồng dâu được thành viên HTX chú trọng, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài sản phẩm tằm cấp đông, HTX cũng trang bị thêm máy sấy làm bột tằm khô và sản xuất thêm các sản phẩm khác như: rượu tằm, vỏ kén tằm, nhộng tằm tươi... để tạo sự đa dạng cho sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tiếp tục đồng hành
Xác định được tầm quan trọng của tiến bộ KHKT đối với sản xuất, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Hội cơ sở luôn bám sát cơ sở, xây dựng các mô hình theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp hội viên, nông dân tiếp cận KHKT, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt để học tập và làm theo. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình về các lĩnh vực như xây dựng nông thôn mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh...; cung cấp dịch vụ hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu; tổ chức giao lưu hội chợ xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là giới thiệu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ hợp tác, HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp; nêu gương các điển hình tiên tiến nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để khuyến khích, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phù hợp với thực tế phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác, HTX...
Lễ ra mắt chi hội nông dân nghề nuôi dê thương phẩm Buôn Kroa A, xã Ea Drơng, huyện Cư M'Gar
Với sự đồng hành từ tổ chức Hội, cùng sự cố gắng, nỗ lực của các nông hộ, những năm qua chương trình phát triển cà phê bền vững đạt kết quả đáng kể, diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp đã được tái canh; xây dựng được nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác trồng cà phê bền vững với trên 15.000 ha với 9.040 hộ tham gia, sản lượng cà phê hàng năm đạt 70.000 tấn nhân xô; sản xuất lương thực ổn định và phát triển, lúa lai, ngô lai tăng mạnh về năng suất, sản lượng; tổng sản lượng lương thực đạt trên 86.511 tấn. Đến nay, toàn huyện có 98% diện tích ngô, 68% diện tích lúa nước sử dụng giống mới cho năng suất cao, hiện có trên 50%, hộ nông dân thực hiện mô hình thâm canh, xen canh hồ tiêu, cây ăn trái trong vườn cà phê; các mô hình bơ, sầu riêng, cây ăn quả trong vườn cà phê được nhân rộng, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt 100 triệu đồng /ha/năm. Chăn nuôi cũng được duy trì và phát triển mạnh, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại từng bước phát triển.
HND huyện Cư M'gar tham quan mô hình trồng xen nhãn Hương Chi - Xoài - Sầu riêng ... tại xã Ea M’nang, Cư M’gar
Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã từng bước hình thành và phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa bàn. Kinh tế tập thể bước đầu có sự phát triển, lĩnh vực ngành nghề từng bước được mở rộng theo hướng đa ngành nghề, đa dạng loại hình hoạt động. Kinh tế trang trại có bước phát triển. Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các doanh nghiệp nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh tạo sản phẩm chất lượng tham gia chương trình OCOP, tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, được UBND tỉnh quyết định phê duyệt cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP như thịt gà đen HMông của HTX Đại Phúc (xã Ea M’đroh); cà phê bột của HTX Quyết tiến. Huyện có trên 9.000 hộ áp dụng quy trình sản xuất bền vững 4C, UTZ cho trên 15.000 ha nâng cao chất lượng cà phê đảm bảo xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân; có trên 300 trang trại sản xuất với tổng diện tích 2.320 ha. Các hộ nông dân sản xuất giỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác thế mạnh đất đai thu nhập hàng năm hàng chục tỷ đồng đảm bảo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động tại chỗ, tạo xu thế hợp tác sản xuất tạo vùng chuyên canh lớn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất tập trung, là tiền đề cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ gia đình.
BBT HND tỉnh
- Hội Nông dân Buôn Đôn tổng kết Nghị quyết số 14-NQ/HNDTW ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (11/04/2025, 15:26)
- Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tham gia tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới năm 2025 (02/04/2025, 16:46)
- Phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đắk Lắk” (17/03/2025, 09:26)
- Thông báo về bổ nhiệm cán bộ, công chức Hội Nông dân tỉnh (27/02/2025, 14:23)
- Hội Nông dân tỉnh thăm và tặng quà các hộ nghèo Buôn Sut M'drang (23/01/2025, 09:45)
- Hỗ trợ trên 1.000 hộ hội viên nông dân thoát nghèo (31/12/2024, 14:35)
- ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA HỘI NÔNG DÂN TỈNH VÀ BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH THĂM CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG VÀ HỘI VIÊN NÔNG DÂN CÁC XÃ BIÊN GIỚI (31/12/2024, 08:28)
- Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát 2024 (19/12/2024, 10:07)
- Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi”: Sân chơi bổ ích cho nông dân (06/11/2024, 09:19)
- Hội thi Tuyên truyền viên giỏi tỉnh năm 2024 (04/11/2024, 09:00)
- Giới thiệu, quảng bá trên 200 mặt hàng nông sản tiêu biểu (30/10/2024, 18:36)