Nhằm nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm trứng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lắk thực hiện mô hình nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học tại 12 nông hộ ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk với số lượng hơn 23.000 con và Tại 2 nông hộ ở xã Đắk Liêng với số lượng 4.000 con vịt đẻ . Đối với 14 hộ chăn nuôi vịt đẻ này trong tháng 11/2020, sẽ tiến hành kiểm chứng các điều kiện để công nhận là sản phẩm VietGap. Bình quân mỗi ngày, 14 hộ chăn nuôi vịt cung cấp khoảng 24.600 trứng cho các đại lý trên địa bàn huyện Lắk. còn riêng cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Mai ở Thôn Xóm Huế, xã Đắk Liêng, mỗi ngày xuất hơn 1.700 quả trứng theo hướng an toàn sinh học, với giá bán từ 2.000 – 2.200đ/ quả.
Hiện nay, gia đình ông Trần Văn Sơn tại thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê , huyện Lắk đang nuôi 2.500 con vịt đẻ theo hướng an toàn sinh học. Với kinh nghiệm nuôi vịt đẻ hơn 10 năm nay, ông Sơn cho biết quy trình của việc nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học còn tận dụng được phụ phẩm trong chăn nuôi để làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.
Để sản phẩm trứng Vịt của huyện Lắk được cấp chứng nhận Vietgap tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương, Phòng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã có nhiều giải pháp để nâng cao giá trị của trứng vịt huyện Lắk.
Tiềm năng phát triển chăn nuôi vịt siêu trứng của huyện Lắk còn rất lớn. Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi luôn phải đối diện với các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng sản phẩm, dịch bệnh có nguy cơ xảy ra. Vì vậy, Chăn nuôi Vịt siêu trứng theo hướng an toàn sinh học hướng tới đạt tiêu chuẩn Vietgap sẽ là bước đệm để trứng vịt huyện Lắk trở thành sản phẩm OCOP, góp phần tạo thương hiệu đặc trưng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân.
H Yur Je
nguồn (ttthlak.gov.vn)